Lùm xùm dự án đầu tay Khu nhà ở Lạc Hồng – Phố Nối
UBND tỉnh Hưng Yên vừa có quyết định công nhận Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (Công ty Lạc Hồng Phúc) là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở liền kề để bán đô thị xanh (dự án Green City) trên địa bàn phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Thông tin này nhận được sự quan tâm không nhỏ từ giới đầu tư bất động sản Hưng Yên vì cách đây vài năm Lạc Hồng Phúc khiến dư luận xôn xao tại chính thị xã Mỹ Hào với dự án Khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại Lạc Hồng - Phố Nối (Khu nhà ở Lạc Hồng – Phố Nối).
Chẳng là Khu nhà ở Lạc Hồng – Phố Nối “nguyên thủy” thuộc về Công ty TNHH đầu tư Lạc Hồng Hưng Yên, công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng. Dự án được giao trong năm 2016.
Sau 5 tháng sau khi được giao dự án, Công ty Lạc Hồng chuyển nhượng Khu nhà ở Lạc Hồng – Phố Nối cho Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Phúc Thành (Công ty Phúc Thành). Hai bên lập ra Công ty mới mang tên Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (Công ty Lạc Hồng Phúc) để triển khai dự án.
Ở thời điểm thành lập (18/7/2016), Lạc Hồng Phúc có vốn điều lệ 125 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hải Đăng Hưng Yên (sở hữu 0,1% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng (sở hữu 0,1% vốn) và Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Phúc Thành (sở hữu 99,8% vốn).
Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, nhiều hộ dân đã “kêu cứu”. Họ không chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ mà chủ đầu tư đưa ra. Người dân “tố” dự án không đúng trình tự, thủ tục pháp lý và có những “khuất tất” trong việc áp giá đất.
Giá bồi thường thấp, chủ đầu tư vẫn lãi siêu mỏng
Một trong những vấn đề các hộ dân đưa ra chính là “than” giá bồi thường quá thấp, chưa tới 100.000 đồng/m2. Người dân bức xúc khi chủ đầu tư đền bù rẻ mạt nhưng lại bán đất ở với giá đến vài chục triệu/m2, đó là điều không bằng.
Mức giá vài chục triệu đồng/m2 đã mang về cho công ty Lạc Hồng Phúc doanh thu trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, lợi nhuận công ty thu được lại rất khiêm tốn.
Cụ thể, năm 2017, chỉ 1 năm sau khi thành lập, Lạc Hồng Phúc đã ghi nhận doanh thu 141 tỷ đồng, sau đó tăng lên 166 tỷ đồng (năm 2018) trước khi giảm sâu xuống 75,2 tỷ đồng (năm 2019). Tới năm 2020, doanh thu phục hồi lên 150 tỷ đồng nhưng rồi lại giảm xuống 104 tỷ đồng (năm 2021).
Có thể thấy, doanh thu tại Lạc Hồng Phúc khá bấp bênh nhưng đều trên trăm tỷ đồng mỗi năm.
Thế nhưng, bất chấp việc đền bù giá thấp cho người dân, Lạc Hồng Phúc lại có lợi nhuận rất thấp, thậm chí năm 2019 còn thua lỗ 4,2 tỷ đồng.
Trong các năm 2017, 2018, 2020 và 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 3,1 tỷ đồng, 110 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng và 362 triệu đồng.
Tình hình kinh doanh của Lạc Hồng Phúc không được cải thiện nhiều dù năm 2020, công ty tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng. Hiệu quả sử dụng vốn thấp nhưng công ty lại tăng cường đi vay. Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của công ty đạt 326 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng, tương đương 27,3% so với năm 2017.
Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2022, Lạc Hồng Phúc tiếp tục đi vay. Ngày 5/1/2022, Lạc Hồng Phúc ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Hưng Yên. Tài sản đảm bảo là xe ô tô nhãn hiệu Mercedes Maybach.
Dù dính lùm xùm tại dự án Lạc Hồng – Phố Nối ngay ở thị trấn Mỹ Hào và có bức tranh tài chính kém lạc quan nhưng Công ty Lạc Hồng Phúc vẫn rộng cửa trở thành chủ đầu tư dự án Green City.