Thành lập vào ngày 1/3/2021, Việt Long là doanh nghiệp trẻ, có trụ sở đặt tại Vinhomes West Point (Hà Nội) và do ông Mẫn Bá Tuyển làm đại diện pháp luật. Dù chỉ mới hoạt động hơn ba năm, công ty này đã định vị mình trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản với khẩu khí lớn, thể hiện qua việc triển khai cùng lúc nhiều thương hiệu bất động sản nhắm vào các phân khúc khác nhau: Long Hưng với mục tiêu đánh thức những vùng quê đang phát triển; Long Phú tập trung vào những khu đất được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ hạ tầng; Long Khánh tiếp cận các khu vực đã hoàn thiện pháp lý.
Đáng chú ý, địa bàn được Việt Long đẩy mạnh thời gian qua là tỉnh Thanh Hóa - một thị trường đang sôi động nhờ dòng vốn FDI, sự hình thành của các khu công nghiệp trọng điểm và tốc độ phát triển hạ tầng đô thị.
Tuy nhiên, tham vọng mở rộng nhanh của Việt Long lại đang gặp phải một trở lực đáng lo ngại: ngày 27/6/2025, doanh nghiệp này chính thức bị cưỡng chế thuế do nợ ngân sách nhà nước hơn 220 triệu đồng. Biện pháp được cơ quan thuế áp dụng bao gồm phong tỏa tài khoản và trích tiền trực tiếp từ hệ thống ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch. Dù số tiền không lớn nếu xét trên tổng thể hoạt động bất động sản, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang vận hành nhiều chiến dịch truyền thông, mở bán và triển khai dự án song song, sự gián đoạn trong quản lý tài khoản có thể tác động tức thì đến năng lực thanh toán, chi trả chi phí đối tác hoặc giải ngân công trình.
Không có báo cáo tài chính công khai nào của Việt Long được công bố cho đến nay, điều này gây khó khăn trong việc đánh giá toàn diện năng lực tài chính và khả năng tự chủ vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc để phát sinh nợ thuế dẫn đến cưỡng chế là chỉ dấu cho thấy hệ thống kiểm soát tài chính nội bộ còn lỏng lẻo. Trong lĩnh vực bất động sản, nơi đòi hỏi dòng tiền ổn định và dự trù vốn lớn cho phát triển hạ tầng, marketing, chi phí pháp lý và vận hành, bất kỳ sự đứt gãy nào về tài chính cũng có thể gây hiệu ứng domino. Đặc biệt với một công ty trẻ chưa có lịch sử phát triển dài, độ tin cậy từ phía ngân hàng, nhà cung cấp và nhà đầu tư vẫn còn hạn chế, một quyết định cưỡng chế từ cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể làm lung lay niềm tin từ đối tác và khách hàng.
Cần lưu ý rằng, Việt Long đang vận hành trong giai đoạn đầy thử thách của thị trường bất động sản. Các chính sách kiểm soát tín dụng, siết chặt pháp lý và xu hướng tái cơ cấu thị trường sau chu kỳ tăng trưởng nóng đang buộc các doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong từng bước đi. Chiến lược phát triển đa thương hiệu, đa địa bàn của Việt Long thể hiện tinh thần quyết liệt, nhưng cũng mang lại rủi ro lớn nếu không được kiểm soát bằng năng lực tài chính thực chất. Việc cùng lúc triển khai các dòng sản phẩm khác nhau tại một thị trường như Thanh Hóa – nơi cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi thủ tục pháp lý rõ ràng và nguồn lực bền vững là một thách thức không nhỏ đối với một doanh nghiệp chưa từng có dự án quy mô nào được ghi nhận thành công trước đó.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Long cần tập trung củng cố lại nền tảng vận hành, đặc biệt là hệ thống quản trị tài chính và tuân thủ pháp lý. Việc để phát sinh nợ thuế dẫn đến cưỡng chế dù chỉ 220 triệu đồng vẫn là một đòn đánh vào hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường – nơi các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến sự minh bạch và chỉ số tín nhiệm hơn là những khẩu hiệu truyền thông hay kỳ vọng sinh lời.
Trước khi tiếp tục mở rộng danh mục dự án, Việt Long cần chứng minh được năng lực duy trì dòng tiền, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và đối tác, đồng thời công khai các chỉ tiêu cơ bản về tài chính - điều tối thiểu để xây dựng lòng tin trong bối cảnh niềm tin thị trường đang bị thử thách.
Sự trưởng thành thực sự của một doanh nghiệp bất động sản không thể chỉ đến từ tốc độ mở rộng, mà còn phải được đo bằng khả năng chống chịu áp lực, kiểm soát rủi ro và duy trì sự minh bạch trong mọi hoạt động tài chính. Với Việt Long, tín hiệu cảnh báo lần này có thể là một va vấp cần thiết hoặc là một bước hụt trong hành trình chưa đủ lực của một tay chơi mới nổi đang cố gắng bước vào sân khấu lớn.