Galia Hoàng Mai vừa mở bán đã khớp 80%, Central Residence – Gamuda Yên Sở rục rịch tung ra với mức giá tầm 120 triệu/m², Taseco Land bên Long Biên cũng hét giá 118 triệu/m² chưa VAT, tính cả thuế phí xấp xỉ 125 triệu/m².
Trong khi đó, một dự án khác ở khu Ngọc Hồi như Greenera Southmark của Tân Hoàng Minh, vốn cách trung tâm kha khá cũng không “nhẹ tay” khi dự kiến bán 80–90 triệu/m².
Nhìn những con số đó, người thu nhập trung bình như mình chỉ biết thở dài: không hiểu dân mình lấy đâu ra tiền mà mua thật. Tiền làm ra thì ngày càng khó, vật giá leo thang, chi tiêu mỗi tháng còn chật vật, vậy mà giá nhà thì cứ vùn vụt tăng theo kiểu “ai nhanh thì còn suất”.
Vấn đề là không chỉ có giá cao, mà các chủ đầu tư giờ còn đồng loạt gắn mác “cao cấp” cho hầu hết dự án. Chung cư ở đâu cũng “luxury”, cũng “resort giữa lòng đô thị”, “chuẩn sống châu Âu” nhưng nội thất thì vừa tầm trung, tiện ích còn đang xây, hạ tầng quanh khu thì tắc đường suốt giờ cao điểm.
Có cảm giác cái tăng nhanh nhất trong vài năm nay không phải lương, không phải mức sống, mà là… tham vọng định vị dự án. Từ đó, giá được đẩy lên theo tâm lý “cao cấp hóa” chứ không hẳn phản ánh đúng giá trị thực. Và điều khó hiểu là càng đắt thì lại càng cháy hàng, bởi người có tiền thì luôn có cách mua: hoặc là mua đầu tư, hoặc là gom hàng trước rồi lướt sóng, hoặc đơn giản là họ thực sự có vài chục tỷ trong tài khoản để “tránh bão” lạm phát bằng cách gửi vào bất động sản.
Thị trường hiện tại, nếu nhìn từ bên ngoài vào, sẽ thấy rất nhiều căn hộ mới đang mở bán, nhưng thực tế thì có một bộ phận lớn người dân không còn mấy lựa chọn. Họ bị đẩy ra xa dần trung tâm, hoặc buộc phải chờ đợi cơ hội từ nhà ở xã hội, vốn vừa thiếu lại vừa khó tiếp cận.
Nhìn giá nhà hiện nay, nhiều người giật mình nhận ra: cùng với mức thu nhập như hiện tại, thế hệ trẻ có thể phải làm việc 25–30 năm không chi tiêu gì mới đủ mua một căn hộ 70m² ở Hà Nội.
Vậy nên không ít người chuyển sang lựa chọn thuê lâu dài, sống linh hoạt, coi việc sở hữu nhà là mục tiêu xa xỉ chứ không còn là chuẩn mực sống. Một số khác thì tìm đường về ven đô, hoặc chung tiền với gia đình để “gom gạo cất nhà”.
Nhưng thực lòng mà nói, phần đông người trẻ bây giờ đều mang chung một cảm giác: càng cố gắng thì giấc mơ an cư càng xa. Bởi giá chung cư Hà Nội đang dần biến thành một cuộc đua mà chỉ những ai “không cần hỏi giá” mới dám tham gia.
Còn lại, chúng ta, những người đi làm chăm chỉ mỗi ngày, tiết kiệm từng đồng, chỉ biết dõi theo bảng giá, tặc lưỡi đóng tab lại, và tiếp tục làm việc… với hy vọng mai sau có thể thuê nổi một căn hộ cao cấp do người khác mua để cho thuê. Nghe buồn cười, nhưng đó lại là thực tế của rất nhiều người sống và làm việc ở thành phố này.