Giá căn hộ tăng “nóng” ở mọi phân khúc
Theo khảo sát thị trường gần đây, giá căn hộ tại các quận trung tâm Hà Nội đã vươn tới ngưỡng siêu cao cấp. Cụ thể,
🔹 Dự án Noble Crystal (quận Tây Hồ): Giá chào bán: 160 – 270 triệu đồng/m2
Ví dụ: Căn hộ 280m2 được rao giá 76 tỷ đồng, tương đương 271 triệu đồng/m2
🔹 Dự án Heritage West Lake (quận Tây Hồ): Giá dao động: 150 – 260 triệu đồng/m2
Ví dụ: Căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 145m2 có giá 35 tỷ đồng, tương đương 241 triệu đồng/m2
🔹 Dự án Vinhomes Metropolis (quận Ba Đình): Sky villas: 250 – 260 triệu đồng/m2 - Căn hộ thường: 140 – 200 triệu đồng/m2
Ví dụ: Sky villa 200m2, 4 phòng ngủ, giá 50 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đồng/m2
🔹 Quận Hoàn Kiếm – Dự án căn hộ hàng hiệu: Giá “khủng”: 500 – 700 triệu đồng/m2
Tổng giá trị căn hộ: từ 50 đến 120 tỷ đồng/căn
💬 So sánh với biệt thự, liền kề:
Mức giá chung cư trên hiện ngang bằng, thậm chí cao hơn nhiều biệt thự, liền kề tại các khu đô thị như:
🔹 Louis City (quận Hoàng Mai)
🔹 Geleximco (huyện Hoài Đức)
🔹 Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm)
Có thể thấy là những mức giá này đã tiệm cận, thậm chí vượt qua giá biệt thự thấp tầng tại một số khu vực cùng vị trí hoặc lân cận – vốn trước đây luôn được định vị ở phân khúc cao hơn.
Sự tăng tốc bất thường của giá chung cư đang làm đảo lộn mọi thang đo định giá. Căn hộ – vốn là sản phẩm được sinh ra để giải bài toán đô thị hóa và đáp ứng nhu cầu ở thực nay lại đang trở thành mặt hàng đầu cơ và định vị ở phân khúc xa xỉ.
Trong khi đó, người mua ở thực lực lượng cốt lõi giữ cho thị trường bất động sản phát triển bền vững gần như bị loại khỏi cuộc chơi. Theo thống kê, hơn 58% nguồn cung căn hộ tại Hà Nội hiện nay là sản phẩm cao cấp. Tức là, cứ 10 căn hộ ra mắt thì gần 6 căn không dành cho số đông. Lực cầu thật bị bóp nghẹt, tầng lớp trung lưu ngày càng xa dần với giấc mơ an cư. Còn thị trường thì lặng dần trong những buổi mở bán vắng bóng người, những cuộc livestream giới thiệu căn hộ chỉ toàn lượt thả tim… từ môi giới.
Điều nguy hiểm hơn là hiện tượng này không chỉ phản ánh một sự mất cân đối về giá, mà còn đang dẫn đến nguy cơ hình thành bong bóng tài sản. Khi giá tăng quá nhanh, quá xa so với giá trị thực và thu nhập bình quân của người dân, thị trường sẽ rơi vào tình trạng “giả bão hòa”: giao dịch sụt giảm, nguồn cung lệch pha, niềm tin lung lay và rủi ro tài chính tích tụ âm thầm. Một cú chao đảo nhỏ cũng đủ để kéo theo hiệu ứng domino lan rộng – điều mà những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam rất dễ tổn thương.
Giá nhà tăng không chỉ là vấn đề của thị trường, mà còn là vấn đề xã hội. Một xã hội nơi người trẻ 30 tuổi thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng vẫn phải sống cùng bố mẹ vì không đủ tiền mua nhà, không thể nuôi thêm con vì không đủ phòng ngủ, không dám lập gia đình vì không có chốn riêng đó không thể là xã hội phát triển bền vững.
Nếu cứ tiếp diễn thế này, đừng ngạc nhiên khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, người trẻ không lập gia đình, còn giấc mơ an cư thì trở thành đặc quyền của số ít. Bất động sản đang rời xa vai trò phục vụ nhu cầu sống, để trở thành một trò chơi tài sản nơi ai cũng biết là rủi ro, nhưng vẫn lao vào vì… không còn lựa chọn nào khác.
Và rồi một ngày, chúng ta sẽ phải thừa nhận: ở Hà Nội, mua chung cư không còn là chuyện lập nghiệp. Nó là một “deal đầu tư”… nếu bạn đủ giàu, đủ liều, hoặc đủ… bất chấp.