Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: dự án Khu nhà ở phát triển đô thị Thịnh Gia mở rộng (giai đoạn 3) do Công ty TNHH thương mại và tư vấn Ngọc Điền (Công ty Ngọc Điền) làm chủ đầu tư mới chỉ được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chấp thuận làm chủ đầu tư dự án tại Văn bản số 2515/UBND-KTN ngày 08/6/2018 và được Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định.
Theo đó, tính đến ngày 3/8/2020, Công ty Ngọc Điền chưa được cấp có thẩm quyền: chấp thuận đầu tư theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, thẩm định công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình nhà ở, cấp phép xây dựng công trình… theo quy định.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư dự án được huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định.
Được biết, dự án Thịnh Gia Tower được giới thiệu là do Công Ty Thương mại và Tư vấn Ngọc Điền (gọi tắt là Công ty Ngọc Điền) làm chủ đầu tư có địa chỉ tại quốc lộ 13, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương với quy mô 1.000 căn hộ cao cấp.
Theo giới thiệu, dự án có 2 loại căn hộ diện tích từ 43,2m2 – 67m2 với giá giao động từ 790 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/căn hộ tương đương với giá từ 16 – 18 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Thịnh Gia Tower nằm sâu bên trong Khu đô thị Thịnh Gia, cách mặt tiền đường quốc lộ 13 khoảng 1km. Khu đất xây dựng dự án Thịnh Gia Tower thuộc giai đoạn 3 của dự án khu đô thị Thịnh Gia mở rộng.
|
Dự án Thịnh Gia Tower.
|
Theo đó, nhiều đơn vị được cho là đã rao bán, thu tiền từ khách hàng, thế nhưng đến thời điểm tháng 8/2020 dự án Thịnh Gia Tower vẫn chưa hoàn thành việc xin cấp phép dự án theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương từng khuyến cáo, theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng đặt chỗ… đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại chính là khách hàng.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, có những chủ đầu tư huy động vốn trái phép bằng cách ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn với khách hàng để lấy kinh phí làm dự án. Tuy nhiên, khi dự án không được cơ quan chức năng cấp phép do chưa xây dựng cơ sở hạ tầng thì các chủ đầu tư này tìm đủ mọi cách để né tránh, thậm chí ôm tiền bỏ chạy khiến nhiều khách hàng lao đao.
Như vậy, để tránh tiền mất, tật mang khách hàng cần cẩn trọng trước khi xuống tiền đầu tư vào các dự án chưa được cấp đầy đủ giấy phép theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại điều 55, điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản thì chủ đầu tư chỉ được mở bán khi đã có giấy phép đủ điều kiện được bán do Sở Xây dựng cấp; trường hợp là đất nền thì phải có giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Nếu là chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng và có bảo lãnh của ngân hàng.
Tại điểm a, khoản 3, điều 57, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định có thể bị xử phạt từ 250 triệu đến 300 triệu đồng.
Tại điểm đ, khoản 4, điều 57, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết có thể thì chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có thể bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Ngọc Hiếu/ PLVN