Thời điểm “sốt đất”, không ít người đã bỏ công việc thường ngày đi buôn đất. Trong đó, có người giàu lên, kiếm tiền ra tiền tỷ từ đất. Nhưng cũng có những nhà đầu tư lụi bại, trắng tay.
Anh Đ là một hướng dẫn viên du lịch, khi cơn sốt đất lên cao, thấy bạn bè kiếm gấp mấy lần lương của mình nhờ buôn đất , anh cũng tìm hiểu và vay thêm tiền để đi buôn đất.
Thời điểm sốt nóng, anh Đ cho biết cứ 1m2 sẽ lên được 1 giá hoặc giá rưỡi. Nhưng hiện tại, giá đất nền tụt mạnh chỉ còn 20 triệu/m2. Bên cạnh đó, đất nền còn không có tính thanh khoản do nhu cầu người mua ở không lớn. Anh Đ phải vừa nghĩ cách thoát hàng vừa phải gồng gánh để trả nợ.
Thậm chí, từ khi giá đất lao dốc anh Đ đã tụt những hơn chục cân vì đau đầu suy nghĩ.
Ảnh minh hoạ.
Không riêng anh Đ, không ít người vay mượn mua đất thời gian qua phải đi “vay nóng” để đáo hạn. Giờ để lại thì không chịu được lãi, bán đi thì gần như mất cả vốn. Người vỡ nợ vì đất ngày càng nhiều.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn.
Giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn “sốt đất”.
Nhìn nhận diễn biến mất thanh khoản của thị trường địa ốc trong nửa cuối năm 2022 đang khiến rất nhiều người buôn đất dùng đòn bẩy tài chính quá đà nhưng non kinh nghiệm rơi vào thế khó hiện nay. Nhìn từ các đợt sốt đất khắp các điểm nóng trong những năm qua, không ít trường hợp người nông dân đã vỡ nợ chỉ vì lao theo cơn sóng đầu tư sốt đất ảo.
Họ bán đi mảnh đất sinh nhai, dùng tiền lời từ lô đất này làm vốn buôn những mảnh đất khác chờ tăng giá, chấp nhận vay nóng vì kỳ vọng sẽ có lãi lớn. Sau khi có lời vài thương vụ đầu tiên, đến lúc dồn hết vốn liếng đầu tư vào mảnh đất lớn hơn, vay vốn nhiều hơn, cũng là lúc họ rơi vào cạm bẫy, dẫn đến vỡ nợ, mất cả chì lẫn chài.