Câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy, hóa ra lại chính là bản lề mở ra hàng loạt bất cập, nghịch lý và nguy cơ tiềm ẩn trong bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam đương đại.
PHÂN KHÚC CAO CẤP ÁP ĐẢO, NHU CẦU THẬT BỊ BỎ RƠI
Theo báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 1/2025, gần 60% nguồn cung căn hộ mới thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, giá từ 70 đến hơn 200 triệu đồng mỗi mét vuông. Chỉ vỏn vẹn 13% là nhà ở bình dân, phần lớn nằm ở các khu vực xa trung tâm, hạ tầng yếu, chất lượng thấp. Trong khi đó, hơn 80% giao dịch trên thị trường là do nhà đầu tư thực hiện, phần lớn là đầu tư thứ cấp, mua đi bán lại.
Nói cách khác, thị trường đang sản xuất sản phẩm cho nhóm người đã đủ đầy, trong khi những người đang cần một mái nhà để bắt đầu cuộc sống lại bị gạt ra ngoài lề. Một nghịch lý chua xót.
KHI GIÁ NHÀ VƯỢT XA TẦM TAY THU NHẬP
Hãy nhìn vào những con số, để thấy mức độ chênh lệch đáng báo động giữa giá nhà và thu nhập.
TP.HCM hiện có giá bán căn hộ trung bình là 71,8 triệu đồng mỗi mét vuông. Một căn 60m² có giá khoảng 4,3 tỷ đồng. Hà Nội cũng không kém cạnh, giá trung bình khoảng 70,2 triệu đồng mỗi mét vuông, căn tương tự có giá hơn 4,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động tại đô thị chỉ ở mức 8–10 triệu đồng mỗi tháng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2024. Ngay cả với người có thu nhập khá từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi tháng, nếu vay 70% giá trị căn hộ trong 20 năm, thì mỗi tháng cũng cần trả từ 35 đến 45 triệu đồng tiền gốc và lãi. Một bài toán tài chính khiến đa phần người trẻ chỉ biết lắc đầu.
Và thế là, giấc mơ mua nhà dần biến thành nỗi ám ảnh nợ nần, là cánh cửa của tương lai dần đóng lại trước mắt nhiều người.
VÌ SAO THỊ TRƯỜNG LẠI LỆCH PHA NHƯ VẬY?
Câu trả lời nằm ở lợi nhuận và chính sách.
Nhà cao cấp đem lại biên lợi nhuận cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với nhà ở bình dân. Với cùng một quỹ đất, cùng một chi phí xây dựng, nếu phân lô thành căn hộ hạng sang, chủ đầu tư có thể thu lợi hàng trăm tỷ thay vì chỉ vài chục tỷ nếu làm nhà giá rẻ.
Pháp lý phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ còn rườm rà, kém hấp dẫn. Doanh nghiệp phải tự đi giải phóng mặt bằng, tự xoay vốn, trong khi ưu đãi tín dụng thì khan hiếm và phức tạp.
Chính sách thuê – mua chưa hoàn thiện, thiếu các khung pháp lý cụ thể để người dân có thể tiếp cận nhà ở dài hạn mà không cần vay ngân hàng hàng chục năm.
Trong khi đó, nhà đầu tư và đầu cơ lại đang chiếm lĩnh thị trường. Họ gom hàng, thổi giá, lướt sóng và khiến người mua ở thật bị đánh bật khỏi cuộc chơi ngay từ vạch xuất phát.
Thị trường từ chỗ là nơi tạo lập chốn ở, đang dần biến thành một sòng bài bất động sản, nơi người có tiền cá cược trên những mảnh đất không dùng để sống, mà để đầu tư, tích trữ và sinh lời.
HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG: KHI NHÀ KHÔNG CÒN LÀ MÁI ẤM
Một xã hội nơi đa số người trẻ không thể mua nổi nhà sẽ đối mặt với những khủng hoảng sâu xa.
Gia tăng tốc độ già hóa dân số, khi người trẻ không lập gia đình, không sinh con vì không đủ khả năng ổn định chỗ ở. Tăng bất bình đẳng xã hội, khi người có 3 đến 5 căn nhà vẫn tiếp tục đầu tư, trong khi người cần một căn để sống lại không thể mua nổi.
Thị trường mất thanh khoản thật, nhà cao cấp bỏ trống, dự án ma mọc lên như nấm, trong khi các khu dân cư giá rẻ lại không được đầu tư.
Áp lực tài chính phá hủy chất lượng sống. Một người đi vay mua nhà trong 25 năm sẽ mất đến 70% thu nhập hàng tháng chỉ để trả nợ, khiến họ không còn khả năng chi tiêu cho giáo dục, y tế hay phát triển cá nhân.
Nhà không còn là một khởi đầu, mà trở thành một gánh nặng đè lên cả một thế hệ. Và xã hội ấy sẽ không còn lành mạnh.
GIẢI PHÁP KHÔNG BÀN LÙI CHỈ BÀN LÀM VÀ LÀM BẰNG CÁCH NÀO
Nếu không có hành động quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành, thị trường nhà ở sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng niềm tin. ( giải pháp cần chuyên gia và người có quyền mình ko phải 2 bộ phận trên nên xin phép ko nói gì)
NHÀ Ở ĐỪNG CHỈ LÀ ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI GIÀU MÀ LÀ CỦA CẢ XÃ HỘI
Không có một quốc gia thịnh vượng nào mà người dân lại không thể sở hữu nơi mình sống. Không có một tương lai bền vững nào khi cả một thế hệ trẻ đang vật lộn giữa giấc mơ an cư và cơn ác mộng vay nợ.
Chúng ta phải lựa chọn: hoặc để thị trường nhà ở tiếp tục trở thành nơi sinh lời cho thiểu số, hoặc định hướng lại để nhà thực sự là nơi khởi đầu của hạnh phúc cho mọi công dân.
Bởi vì, xây một căn nhà không chỉ là đổ bê tông và gạch đá, mà là xây dựng một xã hội công bằng hơn, tử tế hơn nơi ai cũng có một nơi để gọi là “nhà”.
Cre: Đạt Dương