Sáng 21-5, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).
Nhu cầu bức thiết
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ nhu cầu NƠXH ngày càng cấp thiết, nhất là tại các đô thị lớn và KCN, trong khi việc triển khai các dự án còn nhiều vướng mắc do cơ chế thiếu linh hoạt, thủ tục kéo dài, chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch QH, mặc dù đã có Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030 nhưng từ năm 2021 đến nay, cả nước mới có 657 dự án được triển khai, số lượng căn hoàn thành mới chỉ đạt 15,6% mục tiêu đến năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ đã dành gói 120.000 tỉ đồng để hỗ trợ chính sách NƠXH nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. "Muốn làm được một dự án phải mất 2 năm mới xong thủ tục. Vì thế, Chính phủ trình QH dự thảo nghị quyết để đơn giản hóa thủ tục, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện" - Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nói.
Về nội dung cụ thể, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế xác định giá bán, giá thuê NƠXH, quy định về đối tượng thụ hưởng, chính sách hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư NƠXH. Nếu đạt được đồng thuận cao, QH sẽ thông qua nghị quyết này sớm để bảo đảm trong năm 2025 có thể triển khai ngay các dự án.
Với đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP HCM) đánh giá đây là chính sách mới, rất quan trọng, nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện việc đầu tư xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, quy định còn khá chung chung, chưa rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi. "Cần quy định đầy đủ các nội dung mang tính chất khung để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết" - ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) lưu ý về quy định lựa chọn đối tượng thụ hưởng, cần có tiêu chí rõ ràng và có trật tự ưu tiên để tránh lợi dụng chính sách. "Chính sách về NƠXH phải trúng, đúng và đến được với người xứng đáng được thụ hưởng" - ĐB TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng với quy định hiện hành, cán bộ, công chức rất khó được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hộiẢnh: VĂN DUẨN
Bổ sung cơ chế hỗ trợ cán bộ sau sáp nhập
Quan tâm điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH, dẫn quy định tại Luật Nhà ở hiện hành, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) cho rằng rất khó để được hưởng chính sách này. "Ở TP HCM, cán bộ, công chức có nhu cầu về NƠXH rất nhiều nhưng nếu quy định điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ là phải không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân thì rất khó được hưởng" - bà Thúy nêu thực tế.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết 2 vấn đề liên quan NƠXH mà thành phố chưa gỡ được cho cán bộ, công chức. Cụ thể là không có nguồn NƠXH để cung ứng và nhóm thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ rất khó đạt được điểm để hưởng. "Nếu quy định như dự thảo nghị quyết, cán bộ, công chức của TP HCM hiện nay và 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi sáp nhập khi đi làm việc xa hơn 30 km cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở" - bà Thúy nói.
ĐB Nguyễn Hữu Đàn (đoàn Quảng Trị) đề nghị mở rộng đối tượng thuê NƠXH cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Theo ông, nếu thiếu chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều cán bộ sẽ gặp khó khăn về nhà ở, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và hiệu quả công việc, kéo theo gián đoạn trong phục vụ nhân dân.
Liên quan đề xuất chủ đầu tư tự quyết giá bán, giá thuê NƠXH, ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng việc đặt toàn bộ quyền định giá vào tay chủ đầu tư nhưng không kèm theo việc kiểm soát công khai, minh bạch là chưa hợp lý. "Quyền xác định giá bán, giá thuê mua phải gắn liền với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía nhà nước. Cần phân loại dự án để áp dụng cơ chế định giá phù hợp; bổ sung quy định chủ đầu tư phải niêm yết giá bán, giá thuê mua, chi phí cấu thành, lợi nhuận định mức..." - ĐB Thông đề nghị.
Ngày 15-3-2026, bầu cử QH khóa XVI
QH cùng ngày đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; ngày bầu cử đại biểu QH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Theo đó, ngày 15-3-2026 (chủ nhật) sẽ bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Kỳ họp thứ nhất của QH khóa XVI được triệu tập chậm nhất sau 60 ngày và kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp được triệu tập chậm nhất sau 45 ngày, kể từ ngày bầu cử. Như vậy, nhiệm kỳ QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được rút ngắn 3 tháng so với thường lệ.
Bãi bỏ quy định Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình QH dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn (CĐ), Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo đó, khi sắp xếp về trực thuộc MTTQ Việt Nam, CĐ Việt Nam vẫn có tư cách pháp nhân, con dấu của tổ chức, vẫn đại diện tham gia các quan hệ lao động quốc tế, tham gia các quan hệ lao động và bảo vệ quyền lợi của NLĐ, phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo luật đã bãi bỏ quy định về CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, LĐLĐ cấp huyện. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định các cấp CĐ gồm: cấp trung ương là Tổng LĐLĐ Việt Nam; CĐ cấp trên cơ sở gồm LĐLĐ cấp tỉnh và CĐ ngành trung ương; CĐ cấp cơ sở gồm CĐ cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở.
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến/ Người Lao động