Thép chỉ là điểm khởi đầu: Thái Hưng âm thầm bành trướng quyền lực tại Thái Nguyên
CTCP Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng), tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng, được thành lập từ năm 1993 bởi vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái và Nguyễn Thị Cải. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn và lâu đời nhất tỉnh Thái Nguyên trong lĩnh vực kinh doanh thép.
Khu đô thị Crown Villas do Thái Hưng đầu tư xây dựng.
Từ một cơ sở nhỏ, Công ty Thái Hưng đã vươn mình thành “ông lớn” trong ngành thép với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều nhà máy nổi tiếng như: Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - mã TIS), Thép Việt Ý, NatSteelVina (liên doanh giữa NatSteel - Singapore và VNSteel), Thép Úc SSE (Hải Phòng), VSC-POSCO (liên doanh giữa VNSteel và POSCO - Hàn Quốc).
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của Tisco, tính đến ngày 31/12/2023, Công ty Thái Hưng là cổ đông lớn, nắm giữ 36,8 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng 20% vốn. Ngoài ra, ông Lê Hồng Khuê (con rể bà Nguyễn Thị Cải) và ông Lê Thành Thực – hai cá nhân được Công ty Thái Hưng ủy quyền – hiện là thành viên HĐQT của Tisco.
Tháng 6/2024, HĐQT Thái Hưng thực hiện điều chỉnh nhân sự cấp cao: bà Nguyễn Thị Vinh (con gái ông Thái, bà Cải) trở thành Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020–2025; ông Nguyễn Văn Tuấn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Công ty Thái Hưng hiện có 3 mảng hoạt động chính: sản xuất (phôi thép, cốp pha, lâm sản, kết cấu xây dựng), thương mại (thép xây dựng, phế liệu kim loại, sách, lâm sản) và dịch vụ (vận tải, nhà hàng, khách sạn...). Trong đó, thương mại thép vẫn là trụ cột đóng góp lớn nhất về doanh thu.
Từ thép sang bất động sản: Thái Hưng âm thầm thâu tóm đất vàng Thái Nguyên
Không chỉ tập trung vào thép, Công ty Thái Hưng đã lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực bất động sản – đặc biệt thông qua các thương vụ thâu tóm tại Thái Nguyên.
Dự án đầu tay là Khu đô thị Thái Hưng (Thái Hưng Eco City), vốn là dự án Khu đô thị mới Việt Bắc mở rộng. Ngày 3/8/2012, Sở KHĐT Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Thái Hưng. Tuy nhiên, nhiều năm liền không triển khai thực tế, đến năm 2017, dự án bị UBND tỉnh thu hồi.
Trước khi trả lại dự án này, năm 2016, Công ty Thái Hưng đã trúng đấu giá thành công tài sản của CTCP Luyện Cán Thép Gia Sàng với mức giá 56,82 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp xin chuyển đổi khu đất này sang làm dự án đô thị, và được tỉnh phê duyệt. Dự án Crown Villas hiện đang triển khai chính là khu đất chuyển đổi này, có diện tích hơn 21,4 ha với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài bất động sản Gia Sàng, Công ty Thái Hưng còn âm thầm thâu tóm CTCP Phát hành Sách Thái Nguyên (mã STH) – công ty nhà nước cũ, cổ phần hóa năm 2003, sở hữu nhiều lô đất đắc địa, nổi bật là khu đất số 65 Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên.
Tháng 5/2019, Sách Thái Nguyên tăng vốn từ 2 tỷ lên 65 tỷ đồng và bắt đầu xuất hiện "bóng dáng" của Công ty Thái Hưng. Đến cuối năm 2023, Thái Hưng sở hữu 18,64% cổ phần tại đây. Các cá nhân liên quan – gồm hai con gái ông Thái, bà Cải là bà Nguyễn Thị Vinh (11,05%), Nguyễn Thị Quy (13,44%), cùng con dâu Bạch Phương Vinh (11,05%) – nắm giữ tổng cộng hơn 54% vốn.
Nhóm này hiện cũng nắm toàn bộ ghế chủ chốt tại HĐQT và Ban Kiểm soát cụ thể: bà Quy đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sách Thái Nguyên còn bà Nguyễn Thị Vinh là thành viên HĐQT. Trưởng Ban Kiểm soát của Sách Thái Nguyên là bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng là người có liên quan đến Công ty Thái Hưng.
Vì sao Công ty Thái Hưng chỉ nộp thuế vỏn vẹn 72 tỷ sau 5 năm, chưa bằng doanh thu trong 2 ngày?
Giai đoạn 2019–2023, doanh thu Công ty Thái Hưng liên tục duy trì trong khoảng 12.000–15.000 tỷ đồng/năm, tổng cộng hơn 68.000 tỷ đồng trong 5 năm.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này cực thấp. Năm 2019 là năm lãi cao nhất, nhưng lãi sau thuế chỉ đạt có... 100 tỷ đồng (biên lợi nhuận chưa đến 0,8%). Đến năm 2023, lãi ròng chỉ còn 7 tỷ đồng, tương đương 0,05%, tức là phải tạo ra hơn 2.000 đồng doanh thu thì Thái Hưng mới đổi được... 1 đồng lợi nhuận.
Tình trạng lãi mỏng dẫn đến việc đóng thuế cũng rất khiêm tốn. Trong 5 năm (2019–2023), Công ty Thái Hưng chỉ đóng 72 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp – con số này chỉ tương đương với doanh thu 2 ngày trong năm 2023 của Thái Hưng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 9.328 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm. Trong đó, hầu hết là tài sản ngắn hạn gần 7.686 tỷ đồng; tài sản dài hạn ở mức 1.642 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2023 là 1.665 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cuối năm 2022.
Phần lớn tài sản được tài trợ bằng nguồn vốn nợ. Nợ phải trả tại ngày cuối năm 2023 lên đến 7.663 tỷ đồng, tăng hơn nghìn tỷ sau một năm và là mức cao nhất từ khi hoạt động. Con số này gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu. Những năm qua, tỷ lệ này tại Công ty Thái Hưng duy trì ở mức khá cao, khoảng 3-5 lần.
Theo Công Luận