Tôi từng nghĩ, chuyển vào sống ở chung cư sẽ là khởi đầu của một cuộc sống văn minh, trật tự và an toàn hơn. Nhưng sau nhiều năm sống tại một khu căn hộ lớn ở TP.HCM, với biết bao buổi họp cư dân, bao lần bất lực nhìn những khoản thu chi không rõ ràng, những tranh cãi giữa cư dân và Ban Quản trị (BQT), tôi nhận ra: sống trong một khối nhà bê tông kiên cố không đồng nghĩa với sự yên tâm.
Ban Quản trị – cái tên nghe rất trang trọng và tưởng như là người đại diện cho tiếng nói của cư dân – lại dần trở thành nỗi ám ảnh. Chúng tôi từng gửi gắm vào họ niềm tin, mong rằng họ sẽ là người quản lý tốt tài sản chung, bảo vệ lợi ích tập thể. Nhưng rồi, theo thời gian, mọi thứ mờ dần, từ những bản báo cáo tài chính không ai hiểu nổi, đến những quyết định được đưa ra mà cư dân như tôi không hề được hỏi ý kiến.
Tôi còn nhớ một chị hàng xóm – người hay đi họp cư dân thay vì chồng – từng bật khóc ngay giữa cuộc họp, vì bất lực với cách BQT “né tránh” câu hỏi về khoản quỹ bảo trì hơn chục tỷ đồng. Rồi những người bảo vệ lâu năm đột nhiên bị thay thế, hệ thống điện nước xuống cấp không sửa, thang máy thường xuyên trục trặc… Tất cả cứ diễn ra như thể không ai phải chịu trách nhiệm. Khi chúng tôi hỏi, chỉ nhận lại câu trả lời chung chung: “BQT đang xử lý, cư dân yên tâm”.
Làm sao chúng tôi yên tâm được, khi mới đây, hai thành viên BQT ở một chung cư khác bị khởi tố vì chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng từ quỹ bảo trì – số tiền mà cư dân chắt chiu từng tháng đóng góp? Rồi có nơi bị truy thu đến cả trăm tỷ vì không xuất hóa đơn thu phí – cư dân như chúng tôi không biết, không hay, nhưng vẫn là người gánh chịu rủi ro.
Tôi không nghĩ ai cũng xấu, cũng trục lợi. Nhưng chính vì vậy, tôi càng mong luật pháp phải rõ ràng hơn, minh bạch hơn. Phải có cơ chế kiểm soát độc lập, không thể để những người “tạm thời giữ tiền” lại có toàn quyền chi tiêu mà không qua giám sát.
Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều – chỉ mong có một nơi để sống bình yên, để khi đi làm về mệt mỏi, có thể đóng cửa lại và không lo lắng rằng “tiền nhà” mình đã đi đâu, “quyền sống” của mình bị ai đại diện một cách tùy tiện.
Nếu có một ước muốn cho chung cư mình đang sống, tôi chỉ mong:
Ban Quản trị phải là người giữ uy tín, chứ không phải người giữ tiền.
Cư dân phải được tôn trọng, phải có tiếng nói và phải biết rõ điều gì đang xảy ra trong chính ngôi nhà của mình.
Vì nhà – dù nhỏ hay to – vẫn là nơi trú ngụ cuối cùng của lòng tin. Đừng để niềm tin đó vỡ vụn chỉ vì sự lạm dụng trong im lặng.
Cần cơ chế giám sát chặt chẽ hơn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhấn mạnh sự cần thiết của việc bịt kín những "lỗ hổng" trong pháp luật và tăng cường vai trò giám sát của chính quyền địa phương.Ông cho biết, tại TP.HCM, các chung cư cao 20-25 tầng có quỹ bảo trì lên đến 20 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn điều lệ của một doanh nghiệp nhỏ.
Việc quản lý và vận hành chung cư không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan đến đạo đức và trách nhiệm pháp lý. Để đảm bảo quyền lợi của cư dân, cần có sự minh bạch trong tài chính, rõ ràng trong trách nhiệm và sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Trong khi chờ đợi những cải cách từ phía cơ quan quản lý, cư dân cần nâng cao nhận thức và chủ động tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của BQT và đơn vị quản lý vận hành. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa cư dân, BQT, đơn vị quản lý và cơ quan chức năng, việc quản lý chung cư mới thực sự hiệu quả và minh bạch.