Ở một khía cạnh nào đó, đây là phiên bản “Make over” cực thuyết phục của giới trẻ đô thị, nơi mỗi mét vuông đều được chỉnh sửa để nói lên cá tính. Và thực tế cho thấy, xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ trong hai năm gần đây khi vừa đáp ứng nhu cầu tài chính thực tế, vừa thỏa mãn đam mê decor, sống chất, sống đẹp.
Vì sao chung cư cũ “lên ngôi”?
Hãy bắt đầu bằng yếu tố giá – điều mà mọi người trẻ đều đau đáu. Tại TP.HCM, theo số liệu từ Batdongsan.com.vn quý I/2025, giá bán căn hộ mới ở các quận trung tâm đã vượt ngưỡng 70–100 triệu đồng/m², chưa kể chi phí nội thất, thuế phí và “lỡ cọc mất tiền”. Trong khi đó, nhiều chung cư cũ 15–20 năm tuổi ở các quận như Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, hoặc Thanh Xuân, Đống Đa (Hà Nội) có mức giá dao động rẻ hơn gần một nửa.
Ly Nguyễn, một thành viên trên group Nghiện nhà cho biết đã cải tạo căn chung cư cũ của mình với Thời gian từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành toàn bộ khoảng 1,5 tháng, còn phần thi công thực tế khoảng 2 tuần.
Do phải cải tạo kha khá nên Ly Nguyễn cho biết mất khoảng 60tr cho phần này. Nội dung cải tạo gồm: lát sàn gỗ, đi lại hệ thống điện, lát gạch bếp, sơn tường, sơn cửa. "Ngoài ra do tính mình cũng hơi ngựa nên đầu tư thêm một phần vòm thạch cao vát tròn cho theo concept của toàn bộ căn nhà".
Do phòng khách không có quá nhiều ánh sáng nên Ly Nguyễn cũng khá ngậm ngùi không dám để nhiều cây xanh ở đây, chủ yếu trang trí bằng tranh canvas (mình tự in) và sách truyện có sẵn.
Tổng chi phí hết khoảng 250tr cho căn hộ 3 ngủ, Ly Nguyễn cho hay cũng không biết là rẻ hay đắt. Nhưng ở tuổi 24 và một mình hoàn thiện được căn nhà như ý thì Ly cũng thấy thật sự mãn nguyện.
Sống trong nhà của mình theo cách của mình
Một trong những “tài sản vô hình” mà chung cư cũ mang lại, chính là sự linh hoạt. Trong khi căn hộ mới bàn giao thường bị ràng buộc thiết kế “rập khuôn” (tủ, sàn, thiết bị vệ sinh đã đóng sẵn), thì nhà cũ lại cho phép người trẻ bắt đầu lại từ con số 0 một cách chủ động: từ màu tường, vật liệu, ánh sáng, cách chia phòng đến vị trí ổ điện cũng phải… tự chọn!
Điều đáng nói là, dù tốn thời gian và chi phí cải tạo (khoảng 100–300 triệu tùy mức độ), người trẻ vẫn chủ động kiểm soát tài chính và sở hữu trải nghiệm đáng nhớ. Trong khi đó, mua căn hộ mới thì phải chờ chủ đầu tư bàn giao, có khi… 36 tháng sau mới được dán giấy dán tường.
“Cú lừa” hay cú chuyển mình?
Tuy nhiên, mua nhà cũ và cải tạo không phải không có rủi ro. Chất lượng nền móng, hệ thống điện, nước, pháp lý dự án, tuổi thọ chung cư, hàng xóm cũ… đều là những dấu hỏi lớn. Nếu không cẩn thận, việc mua căn hộ 1,2 tỷ rồi đổ thêm 400 triệu sửa sang, cuối cùng… lỗ hơn mua căn hộ mới có thể xảy ra.
Bởi vậy, cải tạo nhà cũ không dành cho người nóng vội. Nó đòi hỏi kỹ năng quản lý dự án cá nhân, hiểu biết kỹ thuật và một chút… nghệ thuật ứng phó với thợ xây.
Bỏ qua mọi yếu tố kỹ thuật, lý do sâu xa nhất khiến người trẻ chọn “đập ra xây lại” chính là họ muốn nhà mình có dấu vết cá nhân, một chốn đi về không dính đến bất kỳ bản thiết kế chung nào, không bị “copy paste” như hàng loạt căn hộ mẫu khác.
Trong một thế giới mà ai cũng sống vội, thì ngôi nhà dù cũ nhưng được tự tay định hình, vẫn là thứ “mới” nhất trong đời sống tinh thần.