Nghe thì hơi “tài chính cao siêu” một chút, nhưng thật ra đây là một ý tưởng có thể thắp sáng niềm hy vọng an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp.
Tại báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2025 của Bộ Xây dựng vừa nêu ra thông tin, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và triển khai các công cụ tài chính mới như trái phiếu nhà ở xã hội, các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế, tạo nền tảng tài chính bền vững cho các dự án nhà ở xã hội.
Hãy thử tưởng tượng: nếu có một kênh huy động vốn ổn định, minh bạch, hiệu quả như trái phiếu nhà ở xã hội thì các doanh nghiệp sẽ không còn phải loay hoay “chạy tiền” để khởi động hay duy trì các dự án nhà giá rẻ. Người dân thì khỏi phải “ôm mộng” thuê trọ cả đời. Nghe thôi đã thấy… ấm lòng rồi!
Trái phiếu nhà ở xã hội – Vốn là chuyện lớn, giờ có “kênh riêng” để lo!
Trước nay, phần lớn các dự án nhà ở xã hội đều dựa vào nguồn vay ngân hàng, mà ngân hàng thì vốn… không phải chỗ nào cũng dám cho vay dài hạn, nhất là với lãi suất ưu đãi. Việc phát hành trái phiếu, tức là Nhà nước hoặc doanh nghiệp phát hành giấy nợ có kỳ hạn, cam kết trả cả gốc lẫn lãi, sẽ mở ra một con đường tài chính dài hơi hơn. Đó là vốn dài hạn, ổn định, được thị trường hóa và đặc biệt là có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, thậm chí cả quốc tế.
Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, mà còn khơi thông dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực mà bấy lâu nay ai cũng kêu là “xương xẩu” – vì lợi nhuận thấp, thủ tục nhiêu khê. Với một hệ thống trái phiếu được giám sát chặt chẽ và minh bạch, nhà đầu tư có thể vừa đóng góp cho xã hội, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý, một mũi tên trúng hai đích!
Quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội – Những “bà đỡ mát tay” cho thị trường
Song song với trái phiếu, các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng đang được nghiên cứu và đề xuất thành lập. Hãy nghĩ đơn giản như những “ống tiết kiệm khổng lồ”, nơi dòng tiền từ trái phiếu, ngân sách, doanh nghiệp và thậm chí là người dân cùng chung tay góp vào. Quỹ này sẽ là trung tâm phân phối vốn, hỗ trợ các dự án thực sự có năng lực triển khai, không để tiền “chảy nhầm đường” hoặc mắc kẹt trong thủ tục rườm rà.
Học hỏi mô hình từ các nước như Singapore, Nhật Bản – nơi quỹ nhà ở xã hội hoạt động hiệu quả, được giám sát chặt và đảm bảo khả năng sinh lời, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế một cơ chế linh hoạt, minh bạch và thân thiện với cả nhà đầu tư lẫn người dân.
Hãy hình dung một ngày không xa, bạn không cần quen “ông chú làm địa ốc” vẫn có thể mua nhà giá hợp lý, vay dài hạn, lãi suất nhẹ nhàng nhờ sự hỗ trợ từ các quỹ nhà ở này.
Niềm tin là nền móng
Dù ý tưởng có hay đến đâu, thì chuyện quan trọng nhất vẫn là: niềm tin vào hệ thống. Trái phiếu chỉ có sức hút nếu người mua tin tưởng rằng dòng tiền sẽ được sử dụng đúng mục đích, rằng dự án sẽ triển khai đúng tiến độ và rằng lợi ích của họ được bảo vệ. Vì vậy, khung pháp lý rõ ràng, cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch thông tin là điều kiện tiên quyết.
Tương tự, các quỹ đầu tư không thể là “hũ gạo thần kỳ” nếu thiếu tính công khai, bị lạm dụng hoặc vận hành cồng kềnh. Muốn người dân và nhà đầu tư bỏ tiền, trước hết họ phải thấy được cam kết thực sự từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, rằng đây không chỉ là một “ý tưởng đẹp”, mà là một cam kết dài hạn vì quyền lợi an cư của hàng triệu người.
Việc nghiên cứu triển khai trái phiếu và quỹ đầu tư nhà ở xã hội là một bước đi "táo bạo" nhưng cần thiết. Trong bối cảnh giá nhà vẫn đang là nỗi ám ảnh của không ít gia đình trẻ, công nhân, người thu nhập thấp. những công cụ tài chính hiện đại, linh hoạt như thế này chính là “liều vitamin” cho thị trường bất động sản.
Vấn đề còn lại là tốc độ và quyết tâm thực thi. Nếu các chính sách này được triển khai một cách khéo léo, minh bạch và công bằng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai mà ai cũng có chốn an cư, mà thị trường bất động sản không chỉ dành riêng cho giới "nhà giàu".