Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã. Thực hiện mô hình địa phương hai cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thường vụ Đảng ủy Chính phủ cũng thống nhất về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp cơ sở.
Nhiều người sở hữu bất động sản quan tâm sau khi tiến hành sáp nhập tỉnh thành, sáp nhập xã, người dân có phải đổi sổ đỏ mới hay không?
Theo đó, tại Điều 10, Nghị quyết 190/2025/QH15 ngày 19/2, quy định về xử lý văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Đồng thời, không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
🔎 Khi nào cần đăng ký biến động?
Điều 133, Luật Đất đai 2024 quy định: việc đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận khi thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;… được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới giấy chứng nhận khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
📝 Tóm lại: Sổ đỏ cũ vẫn dùng bình thường! Nếu không có nhu cầu cập nhật, bạn không cần làm gì cả. Chỉ khi thực sự cần thay đổi, bạn mới phải làm thủ tục đăng ký biến động.