Trời mưa như trút liên tục cuối tuần qua đã khiến cho một số điểm tại Đại Lộ Thăng Long - Hà Nội bị ngập sâu. Khu dân cư khu vực xung quanh cũng trong tình trạng ngập nặng. Như hôm nay, mưa lớn từ 6 giờ kéo dài đến 9h30 sáng (11/10) tại Hà Nội đã khiến Đại lộ Thăng Long ngập nặng, giao thông theo hai chiều đi và đến trung tâm Thành phố bị gián đoạn. Khu vực đường gom bị chia cắt ở nhiều điểm.
Nhiều đoạn trên tuyến Đại lộ Thăng Long bị ngập sâu do mưa bão. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Các phương tiện giao thông bị mắc kẹt trên Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Nhiều ô tô bị chết máy tại hầm chui Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Đến 10 giờ 30, tình trạng ngập úng vẫn chưa giảm, người tham gia giao thông khó khăn trong việc di chuyển đi và đến trung tâm Thành phố. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Tại khu vực Mega mall, Vinhome Smart City, lực lượng chức năng lập rào chắn, yêu cầu tất cả người tham gia giao thông quay đầu. Ảnh: Giáo dục và Thời đại.
Đại lộ Thăng Long dài gần 30km, đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của thành phố Hà Nội và nối với quốc lộ 21A - đầu đường Hồ Chí Minh ở Sơn Tây. Tầm quan trọng là vậy, song trên trục giao thông này, đang tồn tại không ít bất cập. Dễ thấy nhất là tình trạng cứ mưa là ngập gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Cứ mưa lớn là nhiều đoạn tại đại lộ Thăng Long (Hà Nội) lại ngập sâu, đặc biệt là hầm chui, hàng trăm phương tiện nối đuôi, dò dẫm đi qua. Khu dân cư khu vực xung quanh cũng chịu chung tình trạng ngập nặng.Ảnh Dantri/đợt ngập năm 2019
Đường gom khu vực đại lộ Thăng Long cứ mưa to là ngập nặng. Ảnh: Môi trường và Đô thị/Ảnh đợt ngập năm 2018
Người dân sống tại các dự án hai bên đại lộ Thăng Long đang quen dần với việc gọi đại lộ này là “con đường đau khổ” bởi tình trạng cứ mưa là ngập úng ở đây. Trong giới bất động sản thường nói rằng, giá trị bất động sản tăng giá nhờ hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội), nhưng khi hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án đó cứ đến hẹn lại lên, hàng năm đều "chìm' trong nước, thì giá trị đó còn không?
Người dân chỉ còn cách sử dụng dịch vụ vận chuyển thô sơ qua đoạn ngập sâu ở đường gom đại lộ Thăng Long (Ảnh chụp sau trận mưa lớn ngày 21/7/2018) - Ảnh: Khánh Linh.Báo Giao thông
Điều đáng nói, đây là vấn đề "nhức nhối' xảy ra lặp đi lặp lại nhiều năm tại tuyến đường này, cứ mưa là ngập, các dự án bất động sản dù có quảng cáo như thế nào về hạ tầng, xong vẫn không "trốn" được yếu điểm này.
Tại Văn Phú (Hà Đông), một số tuyến phố bị ngập úng, nước thoát chậm. Ảnh: Lao đông/Đợt ngập tháng 4/2021
Nút giao nút giao Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến và Vành đai 3 ùn tắc kéo dài. Ảnh: Lao đông/Đợt ngập tháng 4/2021.
Theo tìm hiểu bất động sản dọc trục Đại Lộ Thăng Long với sự góp mặt của một loạt chủ đầu tư tên tuổi trên thị trường bất động sản như Sudico, Sông Đà Hoàng Long, Vinhomes, Geleximco, Phú Long... Cùng với đó là một loạt các khu đô thị có quy mô lớn như: Geleximco diện tích 135ha gồm phân khu A, B, C, D; KĐT Vinhomes Thăng Long; Chung cư Gemek Tower gồm 2 tòa tháp cao 34 tầng; Chung cư Gemek Tower 2 gồm 2 tòa cao 34 tầng; Chung cư The Golden An Khánh gồm 2 tòa nhà cao 18 tầng và 1 tòa hỗn hợp văn phòng, nhà ở cao 40 tầng; Chung cư Thăng Long Victory gồm 2 tòa cao 25 tầng, 2 tòa cao 34 tầng, KĐT tỷ USD Splendora, KĐT Nam An Khánh (Sudico),...
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khu vực đường gom, hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long thường xuyên ngập sâu do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng kể nhất là thiết kế đường gom, hệ thông thoát nước không đảm bảo yêu cầu, nền các dự án khu đô thị cao hơn nên nước tập trung đổ về đường gom.
Đại lộ Thăng Long là công trình đặc biệt quan trọng của Hà Nội dài gần 30 km, kết nối trung tâm thủ đô với chuỗi đô thị phía tây: Xuân Mai - Miếu Môn - Hoà Lạc - Sơn Tây và nối liền các tuyến vành đai 2, 3 và 4 với quốc lộ 21 (đường Hồ Chí Minh). Dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh lên tới trên 7.530 tỷ đồng (vốn đầu tư xác định ban đầu hơn 3.730 tỷ đồng). Dự án được khởi công từ tháng 3/2005 và đưa vào sử dụng đầu tháng 10/2010.