Người có tiền gửi tiết kiệm nhấp nhổm trong khi ngân hàng vẫn đủng đỉnh, thậm chí một số ngân hàng tiếp tục giảm thêm 10-20 điểm phần. Lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp kỷ lục 0.18% tới 0.29% đối với lãi suất qua đêm và lãi suất tuần chứng tỏ thanh khoản quá dồi dào và lý giải sự đủng đỉnh của các ngân hàng.
Con số 12% tăng trưởng tín dụng cả năm đáng “nghi ngờ” vì sức hấp thụ của nền kinh tế quá yếu do đại dịch Covid tàn phá, nhưng số liệu 100 tỷ $ dự trữ ngoại hối đã hóa giải sự nghi ngờ này, thì ra NHNN bơm tiền mua $. Tỷ gía ổn định, có phần nghiêng về hỗ trợ giá trị tiền VNĐ, dự trữ ngoại hối kỷ lục… dường như đã làm hài lòng nhà điều hành, nhưng sẽ khó giữ Trend này vì đến nay kết quả “ làm việc” với Bộ tài chính Mỹ về cái gọi là Việt Nam thao túng tiền tệ không đơn giản như ta tưởng.
Bất động sản hưởng lợi từ lãi suất tiền gửi thấp là đúng cả về lý thuyết lẫn thực tế. Tuy nhiên, việc BĐS có bốc đầu như một số chuyên gia, chủ đầu tư nhận định hay không lại là câu chuyện chưa nên kết luận. Vì rằng, ngoài lực kéo của lãi suất thấp, BĐS còn chịu nhiều lực khác như: cân đối cung-cầu, lượng tăng cung tiền, mặt bằng giá cả…. so sánh với giai đoạn tăng trưởng vừa qua (2014-2018) ta thấy, ở mức giá thấp (từ mức đáy 2013- sau khi đã giảm 30-50% từ đỉnh điểm) BĐS bốc đầu tăng vọt do được tín dụng kéo mạnh với mức tăng trưởng cao, cụ thể 2014: 14,16%; 2015: 17,26%; 2016: 18,25% và 2018: 18,24% đến năm 2018 NHNN rà phanh đưa tín dụng về mức 13,3%, theo đó BĐS cũng giảm tốc.
Giai đoạn này, có nhiều điểm không thuận như thời thăng hoa đó: dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 13-14% cũng chỉ ở mức tương đương năm 2014 trong khi giá BĐS đang neo ở mức rất cao, có nhiều khu vực cao gấp 2-3 lần. Bất động sản vẫn là lĩnh vực nằm trong “ tầm ngắm” của nhà điều hành, một số chính sách thể hiện rõ quan điểm đó như: bỏ hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) từ 1/1/2021 đã chấm dứt thời kỳ “trục lợi” của nhiều ông Lớn BĐS với những đại dự án và các tuyến đường dẫn hoặc xuyên qua chính dự án đó; cho vay bất động sản vẫn phải chịu tỷ lệ rủi ro lên tới 200% và lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% xuống còn 30% vẫn tiếp tục, qui định tại Thông tư 22/2019 NHNN. Kể từ ngày 8/2/2021 theo qui định của Nghị định 148/2020 NĐ-CP, các hoạt động phân lô bán nền sẽ bị chấn chỉnh và thắt chặt hơn; hay Nghị định 81/NĐ-CP hiệu lực từ 1/9/2020 đã chặn cửả nguồn vốn huy động dồi dào từ việc phát hành ào ạt trái phiếu doanh nghiệp…vv.
Kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, giả sử GDP năm 2021 tăng được 6-6,5% như mực tiêu thì so với thời kỳ trước vẫn còn thấp hơn nhiểu: 2014:6,98%; 2015: 6,68%; 2016: 6,21%; 2017: 6,81% trong khi điểm xuất phát là năm 2013 GDP đạt 6,42% nhưng năm 2020 GDP chỉ khiêm tốn ở mức 2,91%.
Do bị quá nhiều xung lực theo hướng cản trở sẽ làm cho lực kéo của lãi suất thấp yếu đi, theo đó BĐS sẽ khó bóc đầu !