Theo dự báo, đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống tại các thành phố. Đô thị hóa nhanh chưa hẳn là vấn đề, vấn đề là… nhà ở thì không “mọc” kịp số người chuyển về. Bất chấp các chính sách và nỗ lực từ chính phủ, tốc độ xây nhà vẫn “lẹt đẹt” như rùa tập chạy, trong khi giá nhà thì tăng như đang đua xe F1.
Mua nhà – chuyện không của riêng ai
Savills ước tính 1,6 tỷ người trên thế giới hiện không tiếp cận được nhà ở đạt chuẩn. Vấn đề nằm ở chỗ: thu nhập không tăng nhanh bằng giá nhà. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 90% thành phố trên thế giới được xếp vào dạng “khó tiếp cận”, tức là giá một căn hộ trung bình cao hơn gấp ba lần thu nhập bình quân năm của người dân. Nói cách khác, nếu bạn không có thêm thu nhập “ngoài giờ”, hoặc “chống lưng” từ gia đình, thì khả năng cao chúng ta đang chơi một trò chơi mà không ai phát phần thưởng.
Xây 96.000 căn nhà mỗi ngày? dễ… trong phim
Liên Hợp Quốc tính toán: để giải quyết được vấn đề thiếu nhà, thế giới cần xây dựng khoảng 96.000 căn mỗi ngày từ giờ đến năm 2030. Nghe có vẻ như một kế hoạch tham vọng đầy tích cực… cho đến khi nhìn vào thực tế.
Tại London, nơi chính quyền đặt mục tiêu xây 88.000 căn mỗi năm, thì trong năm 2024, thành phố chỉ hoàn thành 35.850 căn, chưa tới một nửa chỉ tiêu. Trong khi đó, số dự án nhà ở tư nhân khởi công mới giảm về mức thấp nhất kể từ 2010. Nguyên nhân? Chi phí xây dựng cao, lãi vay đắt đỏ và quy định thì… rối như ma trận.
New York khá hơn chút, với 34.000 căn nhà mới trong năm 2024, nhưng vẫn chưa tới một nửa mục tiêu 66.000 căn/năm. Chính quyền thành phố đang “bơm máu” vào thị trường bằng đủ kiểu khuyến khích: ưu đãi thuế, quỹ 500 triệu USD, nhưng mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu.
Còn Việt Nam thì sao?
Chuyện quen thuộc: thiếu nhà, thiếu trầm trọng. TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 235.000 căn nhà giai đoạn 2021–2025, nhưng đến nay mới chỉ đạt được… 24% chỉ tiêu. Thiếu hụt tới 179.000 căn, phần lớn đến từ các nguyên nhân “muôn thuở”: pháp lý chậm, quy trình phức tạp, thủ tục không biết bao giờ xong.
Trong quý II/2025, TP.HCM có khoảng 1.600 căn hộ mới được tung ra, nâng tổng nguồn cung sơ cấp lên 5.400 căn. Nhưng chỉ có 2.400 căn được giao dịch, tức là lượng hấp thụ đạt 45%. Người dân muốn mua, nhưng giá vẫn cao, chính sách tín dụng chưa “mở lòng”, và tâm lý cũng không còn dễ dãi như xưa. Chốt lại là: vừa thiếu, vừa khó, vừa đắt.
Nếu nhìn toàn cảnh, có thể nói: thị trường nhà ở toàn cầu đang “lạc nhịp” với nhu cầu thực tế. Giá nhà tăng theo biểu đồ hình parabol, còn thu nhập người dân thì… chạy song song với mặt đất. Dù các chính phủ đều có chính sách hỗ trợ, từ ưu đãi thuế đến gói tài chính, thì khoảng cách giữa “ước mơ có nhà” và “thực tế thanh toán” vẫn là một hố sâu đầy thử thách.
Trong khi chờ đợi chính sách, hạ tầng, pháp lý và giá cả “nói chuyện được với nhau”, có lẽ người mua chỉ còn cách… sống tích cực, tiết kiệm, và kết bạn với những người cùng cảnh ngộ, để cùng nhau than thở trong khi tiếp tục săn lùng căn hộ mơ ước.
Vì giấc mơ an cư chưa bao giờ… rẻ!