Thuế nhà thứ hai là công cụ quan trọng để bình ổn thị trường và thúc đẩy phân phối tài sản công bằng hơn, nhưng cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm thu nhập, năng lực tài chính và thực trạng quản lý tại Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng đầu cơ vẫn phổ biến, người giàu có thể sở hữu hàng chục căn hộ để “ôm hàng”, trong khi người trẻ, người thu nhập thấp không đủ khả năng mua nhà. Việc đánh thuế giúp tăng nguồn cung quay vòng, hỗ trợ bình ổn giá và bổ sung ngân sách cho nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, với mặt bằng thu nhập còn thấp và giá nhà tăng cao, nhiều người mua nhà thứ hai là do tích cóp cả đời hoặc phải vay ngân hàng. Đánh thuế quá cao có thể đẩy họ vào khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, việc xác định ai là người sở hữu căn nhà thứ hai cũng rất khó khăn nếu thiếu hệ thống theo dõi đồng bộ, tạo kẽ hở cho việc lách luật.
Nếu áp dụng đột ngột, chính sách thuế có thể gây sốc thị trường, dẫn đến bán tháo, làm mất cân đối tài chính ngân hàng, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế. Vì vậy, cần thực hiện theo lộ trình mềm dẻo, có tính linh hoạt cao.
Việt Nam nên áp dụng thuế chuyển nhượng và thuế sở hữu nhà thứ hai, nhưng cần thực hiện có lộ trình, linh hoạt và đồng bộ, tránh gây sốc thị trường, đồng thời hướng đến mục tiêu kiểm soát đầu cơ mà không cản trở nhu cầu thật.
Theo An ninh tiền tệ