Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền do ông Lý Điền Sơn, anh trai diễn viên Lý Hùng sáng lập từ năm 2001. Ông Lý Điền Sơn từng là nghệ sĩ, ông nổi tiếng nhất khi đạo diễn bộ phim “kinh điển” Nước mắt học trò.
Trong vài năm gần đây, Khang Điền có tốc độ phát triển khá mạnh và trở thành một trong những đại gia bất động sản có vốn hoá thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Khang Điền đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 237 tỷ đồng, tương đương 25,8% so với năm 2019. Có được kết quả này là do doanh thu cải thiện mạnh, tăng từ 2.845 tỷ đồng lên 4.617 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Khang Điền lại khiến nhà đầu tư bất ngờ khi năm qua, công ty đẩy mạnh vay vốn nhưng chi phí lãi vay lại giảm xuống 0 đồng.
Nợ vay tăng vọt, lãi vay 0 đồng
Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Khang Điền chỉ tăng nhẹ, từ 5.573 tỷ đồng lên 5.776 tỷ đồng. Nhưng nổi bật nhất, tổng nợ vay đạt tới 1.845 tỷ đồng, tăng tới 1.063 tỷ đồng, tương đương 136% so với hồi đầu năm.
Không chỉ gây chú ý vì nợ vay tăng mạnh, Khang Điền còn khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi tại sao nợ đến 1.845 tỷ đồng nhưng trong năm 2020, chi phí lãi vay tại Khang Điền chỉ là 0 đồng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ tiêu chi phí lãi vay tại Khang Điền giảm từ 1,5 tỷ đồng chỉ còn… 0 đồng. Đây là điều chưa từng xảy ra từ khi Khang Điền phát sinh nợ vay.
Ngoài ra, trong hai năm gần đây, chi phí lãi vay tại Khang Điền bỗng nhiên sụt giảm mạnh xuống con số rất thấp, chỉ vài tỷ đồng dù khoản vay rất lớn.
Chi phí lãi vay trong các năm 2020, 2019, 2018, 2017 lần lượt là 0 đồng, 1,5 tỷ đồng. Trước đó, trong các năm 2018, 2017, 2016, 2015, 2014 và 2013 chỉ tiêu này lên tới 31,7 tỷ đồng, 9,8 tỷ đồng, 8,6 tỷ đồng, 8,5 tỷ đồng, 35 tỷ đồng và 29,5 tỷ đồng.
Vietcombank, VietinBank, OCB “cho không” Khang Điền lãi suất?
Hiện tại, Khang Điền đang có 3 chủ nợ ngân hàng. Đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Trong đó, OCB là chủ nợ lớn nhất khi ký hợp đồng 3 khoản vay với Khang Điền. Khoản vay thứ nhất trị giá 650 tỷ đồng có lãi suất 11,9%/năm. Khoản vay này giúp OCB thu về 77,35 tỷ đồng tiền lãi một năm. Khoản vay hai trị giá gần 128 tỷ đồng có lãi suất 12%/năm. Mỗi năm khoản vay này mang về cho OCB 15,36 tỷ đồng tiền lãi. Khoản vay thứ ba trị giá 81,2 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm. Tiền lãi thu về hàng năm là 9,7 tỷ đồng.
VietinBank là chủ nợ lớn thứ hai với hai khoản vay trị giá hơn 527 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng. Khoản vay 527 tỷ đồng có lãi suất 11,5%/năm. Mỗi năm khoản vay lớn mang về cho VietinBank 60,6 tỷ đồng tiền lãi.
Dự nợ phát sinh tại Vietcombank không quá lớn, chỉ 49 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín chấp có lãi suất 8%/năm. Khoản vay này sẽ mang về cho Vietcombank 3,92 tỷ đồng tiền lãi một năm.
Chỉ riêng khoản vay ngân hàng, một năm Khang Điền phải trả gần đến 220 tỷ đồng tiền vay (nếu không đáo hạn sớm).
Nhưng rõ ràng, báo cáo tài chính năm 2020 của Khang Điền cho thấy chi phí lãi vay tại Khang Điền chỉ là 0 đồng.
Cẩn trọng loạt dự án bị thế chấp dài hạn
Để có được những khoản vay kể trên, Khang Điền đã cầm cố nhiều dự án trọng điểm bằng các hợp đồng dài hạn.
Khoản vay trị giá 650 tỷ đồng tại OCB được dùng để tài trợ cho dự án Lê Minh Xuân mở rộng và Ấp 2 Tân Tạo. Để nhận được số tiền này, Khang Điền đã phải thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền thuộc dự án Lê Minh Xuân mở rộng.
Khoản vay trị giá 128 tỷ đồng và 81 tỷ đồng tại OCB được dùng để tài trợ dự án Verosa. Khoản vay này được thế chấp bởi một số căn biệt thự có tổng diện tích hơn 3.000m2 tại dự án Verosa.
Khoản vay trị giá 527 tỷ đồng tại VietinBank được thế chấp bằng quyền sử dụng 43.452 m2 đất và tài sản gắn liền tại Phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM. Khoản vay trị giá 2,8 tỷ đồng được thế chấp bằng quyền phát sinh từ nhà ở hình thành trong tương lai tại phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân, TP.HCM.
Có thể thấy, Khu dân cư Tân Tạo, dự án ngốn nhiều tiền của nhất của Khang Điền cũng đã bị đưa đi thế chấp. Tại thời điểm cuối năm 2020, giá trị dự án này lên đến 2.795 tỷ đồng, chiếm 38% tổng giá trị hàng tồn kho của Khang Điền
Bảo Linh