Bé tí hon, nợ chồng chất
Ở thị trường cả nước, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Hoàng Gia không phải đối thủ lớn của nhiều đại gia khác. Tuy nhiên, ở Bà Rịa Vũng Tàu lại khác. Dù có quy mô vốn bé tí, còn nợ thì chồng chất, Công ty Hoàng Gia vẫn dễ “oanh tạc” nhiều gói thầu lớn bé.
Cụ thể, Công ty Hoàng Gia thành lập 14/5/2013 tại số 32 Huỳnh Khương An, phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với ngành nghề chính là “Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác”.
Sau gần 3 năm hoạt động, tới năm 2016, Công ty Hoàng Gia bắt đầu tham gia đấu thầu với thành công “đầu tay” là gói Xây lắp thuộc dự án Nâng cấp, sửa chữa chống xuống cấp các trường học tuyến Bông Trang – Bình Châu năm 2016 của Bên mời thầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xuyên Mộc (trị giá 3,7 tỷ đồng).
Sau đó, Công ty Hoàng Gia liên tục trúng thầu với tỷ lệ rất cao, lên đến gần 98%. Cụ thể, kể từ khi thành lập đến nay, dù mới có 10 năm hoạt động, công ty đã trúng đã tham gia 87 gói thầu, trong đó trúng 85 gói, trượt 1 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.117 tỷ đồng. Tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia là 99,81%. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 99,14%.
Gần đây nhất, trong năm 2023, Công ty Hoàng Gia trúng 3 gói thầu. Tất cả đều ở Bà Rịa Vũng Tàu. Đó là gói Xây lắp thuộc dự án Chỉnh trang đường Lê Hồng Phong, phường Mỹ Xuân của Bên mời thầu Phòng Quản lý Đô thị thị xã Phú Mỹ; Gói thầu 01 - Xây lắp và gói thầu Xây lắp thuộc dự án Nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn phường Long Toàn năm 2023 của Bên mời thầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 thành phố Bà Rịa.
Công ty Hoàng Gia liên tục trúng thầu tại Bà Rịa Vũng Tàu dù vốn rất thấp, chỉ 50 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty lại nợ nần chồng chất. Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của công ty lên đến 264 tỷ đồng, tăng mạnh so với 152 tỷ đồng hồi cuối năm 2020, cao gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 84,3% tổng nguồn vốn.
Đi tìm những ông chủ của Hoàng Gia
Công ty Hoàng Gia thành lập năm 2013. Trong những năm đầu, ông Đặng Văn Đạt (sinh năm 1987) được xác định là chủ doanh nghiệp, đồng thời là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc. Sau đó, ông Hoàng Anh Giám trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Tại ngày 14/8/2020, danh sách cổ đông không có ông Đặng Văn Đạt. Những ông chủ của Hoàng Gia bao gồm: ông Hoàng Anh Giáp (sở hữu 38% vốn, tương đương vốn góp 19 tỷ đồng), ông Phan Văn Tiến (sở hữu 32% vốn, tương đương 16 tỷ đồng) và ông Nguyễn Thành Duy (sở hữu 30% vốn, tương đương 15 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tới ngày 29/11/2021, ông Đặng Văn Đạt một lần nữa trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Tới ngày 15/9/2022, ông Đặng Văn Đạt trở thành cổ đông Hoàng Gia khi đóng góp 5 tỷ đồng và sở hữu 10% vốn công ty. Hai cổ đông còn lại là ông Hoàng Anh Giáp (sở hữu 58% vốn) và ông Phan Văn Tiến (sở hữu 32% vốn).
Từ ngày 30/11/2022, vốn điều lệ của công ty Hoàng Gia vẫn duy trì ở mức 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Đặng Văn Đạt (sở hữu 10% vốn) và ông Hoàng Anh Giáp (sở hữu 90% vốn).
Có thể thấy, tại Hoàng Gia, ông Hoàng Anh Giáp là cổ đông lớn còn ông Đặng Văn Đạt là sếp lớn.
Công ty Hoàng Gia có tỷ lệ trúng thầu rất cao, lên tới 97,7% và có tỷ lệ tiết kiệm rất thấp. Thế nhưng, công ty hoặc đạt lợi nhuận thấp, hoặc thua lỗ.
Năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, Hoàng Gia vẫn ghi nhận doanh thu tăng mạnh, tăng 70 tỷ đồng, tương đương 42,2% lên 236 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty lại thua lỗ 3,2 tỷ đồng dù năm 2020 lãi 1,5 tỷ đồng.
Hoàng Gia thua lỗ chủ yếu là do giá vốn hàng bán rất cao, lên đến 216 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng, tương đương 42,1% so với năm 2020.