Hiện nay, chúng ta vẫn đang có rất nhiều khái niệm khác nhau về nhà ở – nào là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho người trẻ, nhà cho người thành đạt...
Nhưng để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả thì cần có sự định nghĩa rõ ràng, nhất quán hơn.
Theo Luật Nhà ở, hiện nay đã xác định 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó có cả người dân bị giải tỏa trong các dự án do Nhà nước đầu tư. Điều kiện cơ bản để được mua nhà ở xã hội vẫn là yếu tố thu nhập và tình trạng chỗ ở.
Khi nói đến người trẻ, cũng cần chia ra làm hai nhóm: nhóm thứ nhất là những người có nhu cầu về nhà ở, và nhóm thứ hai là chưa có nhu cầu – bởi thực tế, nhiều bạn trẻ hiện vẫn đang sống cùng gia đình hoặc bạn bè, chưa tính đến chuyện mua nhà.
Vậy nên, chỉ khi người trẻ có nhu cầu thực sự thì mới hình thành được một thị trường rõ ràng dành riêng cho họ.
Cũng tương tự, về nhu cầu nhà ở thì có hai nhóm chính: nhóm có khả năng thanh toán và nhóm không có khả năng thanh toán. Việc phân nhóm rõ như vậy sẽ giúp chúng ta đưa ra được chính sách phù hợp hơn.
Theo khảo sát, nhu cầu về nhà ở xã hội tại TP HCM từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, việc Chính phủ giao TP HCM xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, nhưng rõ ràng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Riêng trong nhóm người trẻ, cũng có người thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng cũng có nhiều người không thuộc diện chính sách. Với những người không nằm trong đối tượng ưu tiên thì họ buộc phải tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Nhưng hiện nay, phân khúc này lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể như với nhà ở xã hội.
Vì vậy, việc phát triển nhà giá rẻ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của doanh nghiệp, vào việc họ có sẵn sàng tiết giảm lợi nhuận để tạo ra sản phẩm phù hợp với người mua hay không.