Tâm lý “ăn theo” những “ông lớn” cùng với những câu chuyện được thêu dệt nên như “ Cò đất Phú Quốc 3 tháng kiếm 9 tỷ đồng” hay “ Môi giới đất ở Phú Quốc ký đến.. mỏi tay”... đã khiến nhiều nhà đầu tư, đầu cơ cá nhân nhỏ lẻ từ các khắp các tỉnh thành ầm ầm lao vào Phú Quốc. Cứ thế, đất Phú Quốc được mua đi bán lại, qua tay nhiều người để rồi đến người cuối cùng- kẻ đến sau đớn đau nhiều nhất. Cơn sốt đất đã đẩy giá lên “ảo” tới mức, Thủ tướng Chín phủ đã phải yêu cầu UBND Tỉnh Kiên Giang phải có những biện pháp không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
Thói đời, “đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, những câu chuyện thành công “thần kỳ” từ Phú Quốc đầy rẫy trên các kênh thông tin, vậy những kẻ thua cuộc thì sao ....?. Thực tế không ít người đã mất cả gia tài, cơ ngơi thậm chí tan cửa nát nhà do lướt phải “sóng thần” ở Phú Quốc. Rất nhiều trường hợp bị lừa đảo mất trắng do mua phải đất rừng, đất phòng hộ hay đất nông nghiệp, bằng chứng là đầu năm nay đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Kiên Giang kết luận sai phạm đất ở Phú Quốc là cực kỳ nghiêm trọng với hàng trăm tường hợp mua bán trái phép đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất đã qui hoạch cho các công trình....vv. Những người “may mắn” hơn thì đang phải bán cắt lỗ, tuyệt vọng trong nỗ lực tháo vốn khỏi Phú Quốc.
Cơn sốt đất ảo đã đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực. Điều đó đã làm cho các chủ đầu tư lớn ảo tưởng trong việc xây dựng giá bán, giá bán mà các chủ đầu tư đưa ra đã phản ánh sự hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như sự kỳ vọng của các nhà đầu tư về một thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc trong tương lai xa. Hậu quả là các dự án còn đang dang dở nhiều khả năng sẽ bị chậm tiến độ cam kết do thiếu hụt vốn bởi không bán được hàng vì giá quá cao. Chẳng hạn như một căn biệt thự 3 phòng ngủ tại dự án của BIM Group có giá ~17,5 tỷ hay một căn Shophouse chưa hoàn thiện tại dự án Grand World có giá ~15 tỷ.
Các chủ đầu tư từ lớn đến nhỏ đều đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn ngay từ giai đoạn đầu. Để bán được hàng, những “ông lớn” như BIM Group, nhân viên bán hàng rất “nhiệt tình” hẹn gặp người viết lúc 10h tối tại sảnh khách sạn để tư vấn còn các dự án nhỏ thì dùng mọi chiêu trò chèo kéo, thậm chí dùng những lời lẽ “hoang đường” rất gần với mục đích lừa đảo.
Cơn bão qua đi thì mọi điều lắng xuống, các nhà đầu tư dường như đã tỉnh táo hơn cộng với tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng diễn biến ngày càng tiêu cực. Biểu hiện rõ nét là tại sự kiện mở bán Shophouse của Grand World tại Hà Nội ngày 26/5 vừa qua nhận được rất ít sự quan tâm, chỉ có lác đác vài chục người tham dự.
Như một hiệu ứng dây chuyền cơn sốt đất ảo ở Phú Quốc còn lây lan sang Vân Đồn, nơi mà nhiều khả năng cũng sẽ thành đặc khu kinh tế trong tương lai. bong bóng bất động sản ở Phú Quốc vỡ và Vân Đồn cũng chung cảnh ngộ. Không ít nhà đầu tư “chiến thắng” ở Phú Quốc đã đem công thức thành công áp dụng một cách máy móc sang Vân Đồn và gục ngã tại đây. Kể cả gã khổng lồ đã thành công tại Phú Quốc như CEO Group nhiều khả năng sẽ “sa lầy” tại Vân Đồn cùng với “siêu” dự án Sonasea Vân Đồn Harbor city - dự án tiên phong trong dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn.