Với tiềm năng du lịch sẵn có, lượng khách du lịch tăng nhanh và chủ trương hình thành đặc khu kinh tế của Chính phủ đã kéo một làn sóng đầu tư, đầu cơ rất mạnh mẽ vào Phú Quốc. Đặc biệt các dự án Khách sạn, Resort cao cấp đã chủ động đón đầu các chính sách ưu đãi của Chính phủ một khi Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế trong tương lai gần. 9/10 thương hiệu khách sạn nổi tiếng nhất thế giới đã có mặt tại đây là một minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn phát triển du lịch của Phú Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch tính đến ngày 30/4/2017, tổng số phòng khách sạn 5 sao ở Phú Quốc là 8000 phòng, nhiều nhất cả nước, gấp 1,5 lần Hà Nội và 1,3 lần TP.HCM. Còn theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch cho biết, tuy có nhiều khách sạn, resort làm ăn tốt nhưng công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn ở Phú Quốc chỉ đạt khoảng 50%.
Mặc dù vậy nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ “chóng mặt”. Chỉ tính riêng dọc Bãi Trường 10km nối từ Sân bay quốc tế Phú Quốc đã có tới 54 dự án Khách sạn và Resort cao cấp đang được quy hoạch và triển khai trên tổng diện tích lên đến 1.238 ha. Một số đã đi vào hoạt động như The Intercontinental, Sol by Melia, Novotel... và hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng thế giới trong ngành dịch vụ khách sạn khác sắp hoàn thành như Sailing Club, Regent, Wyndham, Sheraton...
Về phía bắc của hòn đảo này dự án Grand World đang được triển khai xây dựng, sẽ cung cấp tới ~10 nghìn condotel,~ 1000 shophouse. Ước tính trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ có thêm vài chục nghìn đơn vị lưu trú cao cấp mới đi vào hoạt động. Con số thực tế có thể còn hơn thế nữa do các “đại dự án” ở Phú Quốc còn cung cấp thêm sản phẩm là mini hotel.
Hiện nay, khách du lịch chủ yếu đến với Phú Quốc bằng đường hàng không. Được biết hiện nay sân bay Phú Quốc đang hoạt động quá công suất thiết kế, có lẽ tình hình sẽ được cải thiện hơn sau khi dự án nâng cấp sân bay Phú quốc giai đoạn 2 hoàn thành , theo đó sân bay Phú Quốc sẽ có khả năng đón được 5 triệu lượt khách mỗi năm, gấp ~2 lân hiện tại.
Cầu cảng du lịch sẽ hứa hẹn mang lại một lượng khách du lịch lớn đến với Phú Quốc. Tuy nhiên, điều này không giúp được nhiều cho ngành dịch vụ lưu trú bởi nhóm khách du lịch chỉ “dạo” Phú Quốc trong ngày vì vốn dĩ họ đã có sẵn phòng trên du thuyền.
Gấp ~5 lần số đơn vị lưu trú cao cấp chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ngành kinh doanh khách sạn tại Phú Quốc sẽ gặp khó khăn do lượng cung tăng đột biến. Đặc biệt là các khách sạn, nhà nghỉ thấp cấp sẽ rất khó có thể cạnh tranh được với những gã khổng lồ mới gia nhập thị trường. Mới đây, tại hội nghị các Tổng giám đốc khách sạn và khu nghỉ dưỡng 2019 tại Nha Trang, bà Đỗ Thị Hồng Xoan phát biểu: “ Chưa bao giờ ngành khách sạn của Việt Nam đứng trước một thách thức lớn như thời điểm hiện tại”, bà Xoan nhấn mạnh trước tình hình cạnh tranh khốc liệt trong nội bộ hệ thống khách sạn khi số lượng khách sạn trên cả nước ngày một tăng.
Sự mất cân đối cung-cầu của ngành dịch vụ lưu trú tại Phú Quốc chắc chắn sẽ làm cho sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai. Do đó, tính hiệu quả của việc đầu tư cơ sở lưu trú như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng... tại hòn đảo này sẽ là một dấu hỏi lớn.