Thanh tra Chính phủ đã ban hành Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính được định hướng tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sau:
Một là, thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro như: Dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; xây dựng; kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý; hoạt động vui chơi giải trí; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử...;
Hai là, quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra;
Ba là, phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án;
Bốn là, phát hành chứng khoán trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng;
Năm là, có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực;
Sáu là, có rủi ro cao về hoá đơn;
Bảy là, có dấu hiệu gian lận, có rủi ro về hoàn thuế hoặc được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế;
Tám là, có phát sinh hồ sơ miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
Chín là, có thông tin giao dịch đáng ngờ do Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ quan Hải quan cung cấp.
Theo Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 do Thanh tra Chính phủ ban hành, về thanh tra hành chính, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc. Đồng thời, Bộ sẽ thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về thanh tra chuyên ngành, Bộ Xây dựng lên kế hoạch tiến hành thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bao gồm: quy hoạch xây dựng, kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và thị trường bất động sản. Các nhà máy xi măng thuộc chức năng quản lý của Bộ cũng sẽ nằm trong kế hoạch thanh tra.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu và chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ để phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những vấn đề được dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông và Đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh cũng sẽ được Bộ chú trọng và xử lý kịp thời trong các cuộc thanh tra đột xuất này.
Tổng hợp, cập nhật từ: Thanh Tra Chính Phủ, Thanh Tra Việt Nam, Báo Xây Dựng