Cụ thể, liên quan đến vấn đề trên tờ Vietnamnet thông tin như sau:
Từ tháng 8/2020, sau khi họp các bên, UBND quận Đống Đa đã có văn bản yêu cầu trước mắt trong quá trình BQT và chủ đầu tư chưa thoả thuận được về mức phí quản lý vận hành đề nghị chủ đầu tư tạm đóng kinh phí với mức 12.500 đồng/m2 (bằng mức phí cư dân đóng và đã được thông qua Hội nghị nhà chung cư) đối với phần diện tích sử dụng riêng của chủ đầu tư. Sau khi đã thống nhất, kinh phí trên sẽ được khấu trừ và thanh toán lại cho phù hợp.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư cho biết, theo khoản 3, Điều 30 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016 quy định đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp chủ đầu tư có trách nhiệm đóng chi phí quản lý vận hành đối với các hạng mục sử dụng chung không thể tách rời trên cơ sở phân bổ tỉ lệ đóng góp hợp lý.
“Qua nhiều cuộc họp trao đổi giữa các bên, chủ đầu tư đã đề nghị BQT và đơn vị quản lý vận hành đưa ra căn cứ tính phí, nguyên tắc phân bổ và chứng minh qua thực tế phạm vi công việc đơn vị quản lý vận hành đã và đang cung cấp dịch vụ tại tòa nhà. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa được cung cấp đầy đủ các thông tin trên để có cơ sở thỏa thuận mức phí quản lý vận hành với các bên liên quan” – đại diện chủ đầu tư thông tin.
Cũng theo vị này, hàng tháng chủ đầu tư đã thanh toán khoản chi phí là 40 triệu đồng/tháng theo tính toán của chủ đầu tư, vì đơn vị quản lý vận hành không bóc tách được chi phí vận hành các hạng mục thuộc sở hữu chung của cả tòa nhà mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu. Đồng thời, chủ đầu tư đã thực hiện thanh toán đầy đủ chi phí năng lượng (điện, nước) cho đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.
Về việc quyết toán kinh phí bảo trì, chủ đầu tư cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã bàn giao toàn bộ phần kinh phí bảo trì khu căn hộ, khu trung tâm thương mại cho BQT. Hồ sơ quyết toán kinh phí bảo trì được chủ đầu tư bàn giao cho BQT vào ngày 16/12/2020, theo yêu cầu của BQT, chủ đầu tư gửi BQT bản quyết toán kinh phí bảo trì vào ngày 20/7/2021, tuy nhiên BQT từ chối nhận hồ sơ. BQT phải ký quyết toán quỹ bảo trì thì chủ đầu tư mới bàn giao 100%. Theo chủ đầu tư, đơn vị đã bàn giao khoảng 90%, còn khoảng 10% đợi ký quyết toán.
Trong khi đó, thông tin từ phía BQT cho biết, hồ sơ chủ đầu tư gửi BQT chỉ có vài trang thống kê các con số mà không kèm theo căn cứ pháp lý và căn cứ diễn giải tính toán vì sao ra các con số ấy nên BQT không chấp nhận ký hồ sơ. Tuy nhiên, BQT tiếp nhận các giấy tờ này và yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các căn cứ nói trên nhưng chủ đầu tư không đồng ý mà chỉ khi nào ký tất toán mới cho giữ lại giấy tờ này. Vì thế chủ đầu tư mang giấy tờ về. BQT đã yêu cầu bổ sung các căn cứ chứng minh nhưng tới nay chưa nhận được.
“Ví dụ như 2% phần trung tâm thương mại thì trong hồ sơ của chủ đầu tư chỉ nêu số tiền còn cụ thể trung tâm thương mại là tính bao nhiêu mét vuông với giá trị như thế nào để ra 2% đó thì không có thông tin. Hay phí bảo trì các căn hộ chưa bán chủ đầu tư có nói là đã ký hợp đồng mua bán và khách mua nhà chưa chuyển tiền, nay Tân Hoàng Minh chuyển một khoản tiền của các căn hộ nhưng không có hợp đồng pháp lý kèm theo cũng như không giải thích số tiền còn lại sẽ đóng nốt các căn chưa bán là bao nhiêu. Hợp đồng mua bán căn hộ photo đóng dấu của Tân Hoàng Minh không hề có giá trị pháp lý sao y công chứng nào chỉ có dấu của Tân Hoàng Minh và để giá bán rẻ căn hộ để tính phí bảo trì – đại diện BQT lý giải.
Cũng theo vị này, trong hợp đồng mua bán với cư dân, phần diện tích kinh doanh của Tân Hoàng Minh được liệt kê là sở hữu riêng đi kèm trách nhiệm đóng phí bảo trì đã được thỏa thuận tại thời điểm ký hợp đồng. Điều đó có nghĩa là khi chuyển đổi sang sở hữu mới điều khoản tuân thủ giá trị đóng bảo trì theo căn cứ của hợp đồng mẫu đã được xác lập buộc phải tịnh tiến theo trách nhiệm của Tân Hoàng Minh, không xét đến việc Tân Hoàng Minh bán diện tích kinh doanh riêng cho ai với giá bao nhiêu. Việc chủ đầu tư thông báo miệng đã bán rẻ diện tích kinh doanh riêng để 2% bảo trì tương đương với hơn 2 tỷ thay vì khoảng 10 tỷ tính theo giá bán mét vuông căn hộ cao nhất là không tuân thủ luật và thoả thuận trong căn cứ luật của hợp đồng mua bán. Trong khi đó đến nay vẫn chưa phân định được chung riêng để quy đổi ra diện tích đóng bảo trì.
CĐT khắc phục việc phào chỉ đá ốp mặt ngoài chung cư D’.Le Pont D’or (36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) tự do rơi xuống
Trước đó, vào nửa đêm 27/9, tại chung cư này đã xảy ra sự cố phào chỉ đá ốp mặt ngoài toà B rơi tự do xuống tầng 1.
Rất may, tấm phào đá ốp rơi vào thời gian đêm muộn, khu vực này không có người qua lại nên không có thiệt hại về người. Tuy vậy, sự cố này khiến cư dân tòa nhà rất lo lắng, bởi đây là sự cố lần thứ ba kể từ khi bàn giao cho cư dân về sinh sống.
Liên quan đến sự cố này, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cho biết đã có những biện pháp tạm thời và lâu dài được đưa ra để khắc phục việc phào chỉ đá ốp mặt ngoài chung cư D’.Le Pont D’or (36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) tự do rơi xuống.
Theo đó, ngay sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã phối hợp với nhà thầu thực hiện kiểm tra hiện trạng tất cả các vị trí đá ốp xung quanh tòa nhà thống nhất phương án xử lý, khắc phục sự cố.
Về phương án tạm thời: CĐT là phối với với BQT, đơn vị quản lý vận hành PMC thống nhất phương án xử lý, tạo lối đi an toàn cho cư dân bằng cách: thay kính vỡ tại lối dốc tầng hầm B1; bố trí phương tiện và nhân công kiểm tra hiện trạng toàn bộ mặt ngoài tòa nhà, thực hiện tháo dỡ toàn bộ các vị trí có nguy cơ gây mất an toàn. Làm mái che tạm thời khu vực sảnh cho cư dân.
Về phương án lâu dài: chủ đầu tư cho biết đã đề xuất phương án thi công mái sảnh hành lang tòa nhà. Đây là phương án đã được đưa ra từ năm 2019. Biện pháp thi công được đưa ra là gia cố phào GFRC bằng lưới inox với biện pháp kỹ thuật thi công là lắp đặt gondola, thi công lắp đặt nẹp và lưới inox.
Với đề xuất khắc phục trên của CĐT, ngày 8/10 BQT và cư dân đi đến thống nhất, đồng ý với phương án được đưa ra như một giải pháp tình thế và yêu cầu triển khai thi công nhanh chóng.