Nhiều năm qua người dân có thể chứng kiến tại nhiều tòa nhà rải rác trên các quận huyện của thủ đô Hà Nội, những tòa nhà chung cư phủ kín băng rôn cùng với nội dung đòi quyền lợi, liên quan đến sổ đỏ, hoặc PCCC
1. New Horizon City-87 Lĩnh Nam
Điển hình nhất trong thời gian qua, chung cư New Horizon City-87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) khiến cộng đồng mạng quan tâm bởi sự đoàn kết của BQT và cư dân tập trung lại tổ chức đòi quyền liên quan đến khu vực chỗ để xe. Sau rất nhiều cuộc đối thoại với chủ đầu tư nhưng không có kết quả.
Tất cả họ đều đồng lòng treo băng rôn phủ kín các tòa nhà, thậm chí cùng nhau không chấp nhận đưa phương tiện vào hầm nếu chủ đầu tư chiếm giữ chỗ trông xe.
Tình hình an ninh trở nên căng thẳng cho đến khi chính quyền địa phương vào cuộc nhưng cũng chỉ lắng xuống và dừng lại ở lời hứa không có câu trả lời của chủ đầu tư.
Cũng tại dự án này, không chỉ là chỗ để xe bị chủ đầu tư chiếm giữ, mà còn nhiều căn hộ chưa được cấp sổ đỏ vì chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
2. Ecolife Capitol Tố Hữu
Chung cư Ecolife Capitol (tại địa chỉ số 58 Tố Hữu, thuộc địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Đầu tháng 11/2020, tương tự như dự án trên, hàng trăm người dân, trong số này đa số là những phụ nữ, trẻ em đang có mặt trước khu vực tòa nhà. Tất cả các phương tiện xe máy và ô tô đều được gửi tạm bên ngoài bờ đường.
Trong khi đó, nhiều những người ra vào khu vực tòa nhà khi qua cổng sẽ có người hướng dẫn nơi gửi phương tiện, cảnh ùn tắc giao thông khiến cho tình hình an ninh trật tự tại đây khá căng thẳng. Lực lượng chức năng cũng huy động nhiều cán bộ công an mặc sắc phục, ngoài ra lực lượng hình sự cũng được huy động.
Cùng với những tấm băng rôn yêu cầu chủ đầu tư giải quyết quyền lợi là một chiếc loa thùng công suất lớn liên tục phát đi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chỉ đạo của UBND phường Mễ Trì.
Đại diện Ban quản trị tòa nhà Ecolife Capitol cho hay, theo hợp đồng mua bán vào năm 2016, chủ đầu tư sẽ miễn phí phí dịch vụ trong vòng 5 năm cho khoảng 250 căn hộ tại tòa nhà, thời điểm đó chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành.
Tuy nhiên, đơn vị vận hành của chủ đầu tư hoạt động không hiệu quả, nên cư dân đã yêu cầu chủ đầu tư bàn giao lại phần quản lý tòa nhà cho Ban quản trị.
3. Capital Garden 102 Trường Chinh
Tiếp đến là dự án Chung cư Capital Garden 102 Trường Chinh, dù người dân đã được bàn giao nhà từ nhiều năm nay, tuy nhiên họ vẫn chưa thể có sổ đỏ.
Do chưa được nghiệm thu PCCC khiến nhiều hoạt động khó khăn
Theo Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, Chung cư cao cấp Capital Garden 102 Trường Chinh là một trong những công trình thuộc nhóm các chung cư vi phạm các quy định về PCCC do chưa nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, theo thông tin các cư dân tại đây cung cấp cho PV, các hạng mục xây dựng chưa hoàn thành trong khi các hộ dân về đã một thời gian dài đồng nghĩa với việc sự an toàn cho người dân không được đảm bảo, các tiện ích cơ bản mà lẽ ra người dân được hưởng cũng không có, tất cả chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ.
4. Athena Complex Xuân Phương
Dự án Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) bao gồm 1 tòa hỗn hợp dịch vụ thương mại và căn hộ nhà ở 21 tầng, 51 lô nhà ở liền kề.
Dự án có tổng diện tích đất: 19.904,5 m2, được xây dựng trên tổng diện tích 7.085m2, trong đó: Diện tích xây dựng nhà ở chung cư: 3.705 m2; Diện tích xây dựng nhà ở liền kề: 3.260 m2; Hạ tầng kỹ thuật: 120 m2. Dự án được khởi công xây dựng từ quý III/2015, hoàn thành vào quý I/2018.
Dù đi vào hoạt động suốt hơn 2 năm nay, nhưng cư dân dự án Athena Complex Xuân Phương vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện việc cấp sổ hồng. Điều này đã khiến nhiều cư dân treo băng-rôn, đòi quyền lợi cũng như yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết đối với cư dân.
Ngoài những "lùm xùm" về việc chủ đầu tư chậm trễ việc bàn giao sổ hồng, hàng trăm cư dân tại đây cũng từng yêu cầu đơn vị xây dựng bàn giao quỹ bảo trì chung cư lại cho Ban quản trị để vận hành.
5. Imperial Plaza 360 Giải Phóng
Dự án tọa lạc tại số 360 Giải Phóng (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) có tổng quy mô 3,67ha, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 3 tòa IP1, IP2 và IP3 – chung cư Imperial Plaza hiện đã đi vào sử dụng.
Theo tìm hiểu, chủ đầu tư bàn giao tòa IP1 vào tháng 9/2018 hiện nay tòa này có khoảng hơn 300 căn hộ; Tòa IP 2 được chủ đầu tư bàn giao khoảng tháng 3/2019 cũng có khoảng hơn 300 căn hộ và tòa IP 3 được chủ bàn giao vào tháng 10/2019.
Dù đã bàn giao và đi vào hoạt động nhưng đến nay, hơn 900 chủ sở hữu căn hộ các tòa IP1, IP2 và IP3 vẫn chưa nhận được sổ hồng dù đã nhiều lần kiến nghị. Để tỏ rõ thái độ đối với chủ đầu tư, cách đây chưa lâu, cư dân tại dự án đồng loạt treo băng-rôn yêu cầu đơn vị chủ quản thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ đối với khách mua hàng.
6. Tòa C, Chung cư Hồ Gươm Plaza
Khoảng 150 hộ dân tại tòa C - dự án chung cư Hồ Gươm Plaza nhận nhà và chuyển vào ở từ năm 2015. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua người dân vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng, sự việc gây nên bức xúc không chỉ với người dân mà còn ảnh hưởng đến quá trình sinh sống, mua bán, chuyển nhượng căn hộ.
Không có ban quản trị do pháp lý
Rất nhiều cư dân tại đây đã tỏ rõ thái độ của mình bằng nhiều cách như: gửi đơn đến cơ quan chức năng, chủ đầu tư và căng băng-rôn... Nguyên nhân được cho dẫn đến vướng mắc chậm trễ bàn giao sổ hồng tại tòa C được cho là chuyển đổi chủ đầu tư.
7. Tổ hợp HH Linh Đàm
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm tọa lạc tại KĐT Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai – Hà Nội), được xem là một trong những khu chung cư có mật độ cư dân lớn tại Hà Nội.
Theo thiết kế ban đầu, khu chung cư được phê duyệt với 6 tòa nhà, mỗi tòa cao từ 25-35 tầng. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tổ hợp HH Linh Đàm có tới 12 tòa, cao từ 36 – 41 tầng, mỗi tầng có khoảng 20 căn hộ.
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư. Thời điểm năm 2013-2014 các giao dịch mua bán tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm rất sôi động, góp phần giải quyết hàng nghìn chỗ ở cho người dân đang sinh sống tại Hà Nội.
Tuy nhiên, với những sai phạm do chủ đầu tư nên vấn đề cấp sổ hồng cho cư dân đã nhiều lần bị trì hoãn. Thậm chí, năm 2019, nhiều chủ căn hộ đã treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời trước Quốc hội việc cấp sổ hồng cho cư dân: "Giải quyết các thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư chưa thực hiện, đồng thời phải thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân".
Đây được xem là một trong những tín hiệu vui đối với hàng nghìn chủ căn hộ và hàng vạn cư dân đang sinh sống tại tổ hợp chung cư này.
Dự án VP6 Linh Đàm vẫn do doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư. Tòa chung cư VP6 Linh Đàm có tổng chiều cao 37 tầng nổi và một tầng hầm, tổng số căn hộ tại dự án là 864 căn. Dự án VP6 Linh Đàm được hoàn thiện và bàn giao cho cư dân vào tháng 4/2015.
Tuy nhiên, ngay sau khi dự án hoàn thiện và đưa vào sử dụng, rất nhiều cư dân mới ngã ngửa khi chủ đầu tư xây dựng không đúng với giấy phép, quy hoạch.
Theo kết luận thanh tra số 2344 của Thanh tra TP Hà Nội, các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư của Tập đoàn Mường Thanh đều chưa đủ cơ sở pháp lý nên người mua nhà khó có thể được cấp sổ hồng.
Tại dự án này, chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao từ 25 lên 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên... 864 căn, vượt tới 702 căn. Ngoài ra, chủ đầu tư còn tăng diện tích xây dựng khối đế, xây thiếu tầng hầm. Tất cả những sai phạm trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cư dân nơi đây.
Tại đây, rất nhiều cư dân cũng đã treo băng-rôn yêu cầu chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng thực hiện việc cấp sổ hồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cư dân vẫn đang ngóng chờ ý kiến từ cơ quan chức năng giải quyết những tồn đọng, vướng mắc.
8. The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội)
Không chỉ đòi quyền lợi chỗ để xe, hay sổ đỏ, Hàng nghìn hộ dân chung cư The Vesta bức xúc bỏ mọi công việc, tập trung phản đối chủ đầu tư phá dỡ sân chơi trẻ em làm chỗ đỗ xe
Sáng 15/9, hầu hết các hộ dân ở chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) đã bỏ mọi công việc để ở nhà cùng nhau phản đối chủ đầu tư nhằm giữ lại khu sân chơi trẻ em đang đứng trước nguy cơ trở thành chỗ đỗ xe.
Hàng trăm tấm băng rôn với khẩu hiệu có nội dung đề nghị chủ đầu tư giữ lại sân chơi cho trẻ. Cùng với đó là loa đài công suất lớn được cư dân chuẩn bị sẵn để đồng thanh bày tỏ mong muốn chung của mọi người được chủ đầu tư lắng nghe.
Theo nhiều hộ dân, vừa qua chủ đầu tư Hải Phát thông báo sẽ phá dỡ toàn bộ một phần hạng mục có sẵn là khu không gian giữa hai tòa nhà V6 và V3 (đây là khuôn viên hiện tại đang có những dụng cụ dành cho trẻ vui chơi và người lớn thể dục, thư giãn). Chủ đầu tư phá đi để làm sân đỗ xe.
Một số ý kiến cho rằng, việc chủ đầu tư phá sân chơi đi để làm chỗ đỗ xe là đúng quy hoạch của họ được phép. Tuy nhiên, không hiểu vì sao từ khi xây dựng họ lại không làm.
Tác giả: Vyvy