Ông Lâm cho rằng, quyền sở hữu bất động sản là một điều quan trọng đối với mỗi người, và tên gọi cũng cần phản ánh được giá trị của loại hình nhà ở này.
Vì vậy, nên có quy định hoặc định hướng cụ thể hơn về cách gọi phù hợp, ví dụ như “nhà ở phù hợp tài chính” hay “nhà ở tiếp cận được”.
Bên cạnh đó, khi bàn đến đối tượng thụ hưởng, không nên chỉ giới hạn ở “người trẻ”, vì đây là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau và thiếu tính bao quát.
Quan trọng hơn, chính sách nên hướng đến nhóm người chưa có nhà ở, vì đây là tiêu chí khách quan, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn. Như vậy, các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự đi đúng đối tượng, thay vì chỉ dựa vào yếu tố độ tuổi.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay. Hành trình sở hữu nhà của mỗi người thường trải qua các giai đoạn: Thuê nhà, mua căn nhà đầu tiên rồi mới nâng cấp lên căn nhà thứ hai.
Với người trẻ, không nhất thiết phải đặt mục tiêu sở hữu nhà ngay từ đầu.
Việc thuê nhà trong thời gian đầu lập nghiệp là hoàn toàn hợp lý, giúp họ có thời gian ổn định tài chính, tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào giai đoạn sở hữu bất động sản.
Thực tế cho thấy, với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TP. Hồ Chí Minh đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó.
Ông Lâm cũng chia sẻ ông cũng đi từ bước thuê nhà, rồi từ từ mới mua được nhà, đấy là cả một quá trình.