Ngày 14/12, Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) đã công bố chào bán thành công lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 29/11/2024.
Lô trái phiếu được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán HDB (HDBS), là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 11%/năm. Mục đích phát hành nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu được biết, Trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục siết chặt đối với lĩnh vực BĐS và tình trạng khó khăn bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao để có nguồn vốn.
Thực chất trái phiếu doanh nghiệp là một khoản vay của doanh nghiệp. Người mua trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trả nợ bằng cách mua lại trái phiếu doanh nghiệp do mình phát hành hoặc trả cả gốc và lãi khi hết kỳ hạn của trái phiếu.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, sự “bùng nổ” của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đang đặt ra một số vấn đề có thể tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và bản thân các doanh nghiệp phát hành.
Thứ nhất, việc doanh nghiệp trả nợ gốc và lãi cho người đầu tư phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, khó khăn chồng chất khiến cho doanh nghiệp đang có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản, giải thể. Vì vậy, nếu doanh nghiệp phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ thì người đầu tư sẽ có thể mất trắng vốn.
Thứ hai, là rủi ro về thanh khoản do hiện tại thị trường mua đi bán lại trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển, do dó khi muốn bán lại trái phiếu để thu hồi vốn, người đầu tư thường khó tìm được người mua.
Thứ ba, hiện nay, các doanh nghiệp đang tăng cường huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp nên lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao, hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS và không có tài sản bảo đảm.
Thứ tư, các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty BĐS.
Thứ năm, gần đây, không ít doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không quá tốt và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công đã khiến rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên.
Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Trước đó, cũng trong ngày 3-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Có thể thấy, việc nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã lạm dụng quá mức hình thức huy động vốn thông qua trái phiếu, phát hành trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành), dẫn đến nhiều rủi ro cho thị trường và người mua trái phiếu.Nhà đầu tư nên cẩn trọng trước khi quyết định.