Về nguồn cung căn hộ, không quá bất ngờ khi Phường Long Bình tiếp tục dẫn đầu. Khu vực này chính là nơi tọa lạc của đại đô thị Vinhomes Grand Park – một trong những quần thể căn hộ lớn nhất cả nước. Xếp ngay sau Long Bình là khu vực An Khánh, nơi quy tụ các dự án hạng sang nổi bật ở Thảo Điền và Thủ Thiêm, tiếp tục khẳng định vị thế nguồn cung căn hộ cao cấp của TP.HCM. Ở vị trí thứ ba là Tân Mỹ, nhờ vào lợi thế sở hữu Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã phát triển từ lâu. Đáng chú ý, “sân chơi” này không chỉ dành riêng cho TP.HCM cũ khi Phường Dĩ An (khu vực thuộc tỉnh Bình Dương cũ) cũng lọt vào top 10 với hơn 11.000 căn hộ đã bàn giao.
Về mức giá bán căn hộ, các khu vực trung tâm TP.HCM vẫn giữ vị thế dẫn đầu tuyệt đối. Các phường thuộc khu vực Quận 1 cũ hiện đang ghi nhận giá trung bình lên tới trên 100 triệu đồng/m². Mức giá thấp nhất để góp mặt trong top 10 này cũng đã chạm ngưỡng 68 triệu đồng/m² – cho thấy mặt bằng giá căn hộ tại trung tâm vẫn rất cao so với mặt bằng chung.
Xét về giá đất mặt tiền, Quận 1 cũ vẫn là “vua” với mức giá dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m² – những con số gần như không thể tìm thấy ở bất cứ khu vực nào khác trong cả nước. Một số khu vực thuộc Quận 3 cũ cũng góp mặt trong top 10 này, khẳng định sức hút bền vững của các tuyến đường mặt tiền sầm uất bậc nhất TP.HCM.
Ở lĩnh vực công nghiệp, bức tranh có phần “cân bằng” hơn khi tất cả các tỉnh thành sáp nhập đều có đại diện trong top 10 phường có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất. Dẫn đầu danh sách là Phường Tân Phước và Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), nhờ cụm khu công nghiệp quy mô như Cái Mép, Phú Mỹ 1-2-3, Mỹ Xuân… Đứng thứ ba là đại diện của Bình Dương – Phường Bến Cát – với hàng loạt khu công nghiệp quen thuộc như Mỹ Phước, Mỹ Phước 2, Bàu Bàng, tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu công nghiệp phía Nam.
Việc chính thức vận hành chính quyền 2 cấp sau sáp nhập đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của TP.HCM mở rộng. Các chỉ số trên cho thấy bức tranh phát triển đô thị và công nghiệp sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội liên kết vùng, phát triển cân bằng hơn giữa các khu vực trung tâm và vệ tinh. Đây hứa hẹn sẽ là nền tảng để TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá trong giai đoạn tới.
Nguồn: Biggee