Đó không phải là câu chuyện hiếm. Trong khi giấc mơ an cư của người thu nhập thấp vẫn còn dang dở, thì nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn đang nằm trên giấy, vướng thủ tục, thiếu vốn và xa rời nhu cầu thực.
1️⃣ Nguồn cung thấp, tiến độ chậm, giấc mơ xa vời
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu của năm 2025 là hoàn thành hơn 100.000 căn NƠXH trên cả nước. Nhưng đến giữa năm, mới chỉ có hơn 15.400 căn được hoàn thành – tức chưa đạt 16% kế hoạch. Không chỉ vậy, nhiều dự án được phê duyệt vẫn nằm “đắp chiếu” vì chưa xong thủ tục hoặc thiếu vốn triển khai.
Tại TP.HCM, nơi nhu cầu NƠXH rất lớn, năm 2024 không có dự án mới nào được mở bán, trong khi Bình Dương chỉ có 1 dự án. Sự khan hiếm này khiến giá nhà thương mại tiếp tục là lựa chọn bắt buộc, dù vượt xa khả năng chi trả của người lao động và người trẻ nhập cư.
2️⃣ Ưu đãi vay vốn còn… nằm trên giấy
Dù đã công bố gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng để phát triển NƠXH, nhưng đến nay, mới chỉ 16 dự án được giải ngân, với tổng số tiền chưa tới 1.800 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh điều kiện vay vốn còn quá khắt khe, trong khi thời gian thẩm định kéo dài và quy trình rườm rà khiến họ không mặn mà với loại hình này.
Về phía người mua, nhiều người trẻ dù đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn khó tiếp cận do quỹ nhà khan hiếm, quy trình xét duyệt nhiêu khê và yêu cầu hồ sơ không rõ ràng, mỗi nơi làm một kiểu.
3️⃣ Chủ đầu tư không mặn mà vì… khó lời
Một rào cản lớn khác là biên lợi nhuận của nhà ở xã hội bị khống chế ở mức 10%. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng mạnh, từ tiền sử dụng đất, chi phí pháp lý cho tới giá nguyên vật liệu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết họ gần như không có lãi nếu triển khai NƠXH, nhất là trong bối cảnh lãi suất thương mại vẫn cao và thị trường bất ổn.
Khi doanh nghiệp không mặn mà, nguồn cung sẽ tiếp tục thấp. Mà khi cung thấp, người mua nhà lại càng không có nhiều lựa chọn. Một vòng luẩn quẩn kéo dài suốt nhiều năm qua.
4️⃣ NƠXH xây rồi… để xa: Ai sẽ ở?
Một nghịch lý khác là nhiều dự án NƠXH hiện nay được quy hoạch ở vùng xa trung tâm, hạ tầng yếu, giao thông không thuận lợi. Người lao động thu nhập thấp – vốn không có nhiều thời gian di chuyển – sẽ không chọn những nơi “cách công ty 2 tiếng xe máy” để mua nhà, dù có rẻ đến mấy.
Việc phát triển NƠXH nhưng không gắn với quy hoạch tổng thể đô thị khiến các dự án trở nên… vô hình với người cần, trong khi giấy tờ thì vẫn ghi “đã có kế hoạch”.
Nhà ở xã hội lẽ ra phải là một chính sách an sinh mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng hiện tại vẫn còn là… giấc mơ xa. Từ thủ tục đến tín dụng, từ quy hoạch đến vị trí, tất cả đều chưa thực sự “vì người mua”.
Người có nhu cầu thì không mua được. Người muốn làm thì không đủ lãi để làm. Và nhà thì vẫn… chưa thấy đâu.