Hiện nay, có nhiều khu đô thị rất hoành tráng mà người ta hay gọi là khu đô thị hoa lệ, nhưng “hoa” thì dành cho người giàu, còn “lệ” dành cho người nghèo, vì người nghèo nhìn vào đấy chỉ thấy chảy nước mắt.
Giá nhà hiện nay đã vượt xa sức tưởng tượng của người lao động bình thường, khiến họ hoàn toàn vô vọng trong việc sở hữu nhà ở.
Ông Nghĩa cho rằng, do mất cân đối nguồn cung, mà “nguồn cung thì lại nằm chủ yếu trong tay chính quyền”. Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự tắc nghẽn: Một là hệ thống quản lý dường như đã “giảm sức chiến đấu”; hai là vấn đề tham nhũng và sự tha hóa trong bộ máy, đặc biệt là trong môi trường quản lý đất đai và xây dựng.
Mở rộng thêm góc nhìn xã hội, bất động sản không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi hệ thống quản trị yếu kém. Tình trạng làm giả từ thuốc men, thực phẩm trẻ em đến thực phẩm chức năng đang diễn ra tràn lan suốt vài chục năm nay, trong khi “hệ thống hành chính đang bất lực”. Không chỉ một vài làng mà cả nghìn làng ở Việt Nam đã và đang làm hàng giả. Điều đó phản ánh một sự thật đau lòng về sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài.
Tôi bắt đầu cảm nhận được những dấu hiệu rõ rệt cho thấy thị trường đang tiệm cận ranh giới của một cuộc đổ vỡ. Nếu chính quyền không hành động nhanh chóng và quyết liệt để đưa nguồn cung thực chất ra thị trường, thì rất có thể kịch bản bong bóng bất động sản sẽ trở thành hiện thực”.
Khi điều đó xảy ra, thị trường sẽ rơi vào trạng thái tê liệt, không ai còn mua, cũng không ai còn bán, tức là giá cả không còn tồn tại, và toàn bộ hệ thống giao dịch bị đóng băng. Hệ quả sẽ lan sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng, vì có tới 70% tổng tài sản của các ngân hàng hiện đang được thế chấp bằng bất động sản. Nếu thị trường sụp đổ, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thực sự.
Chính quyền cần được cảnh báo một cách nghiêm túc. Chúng ta không thể tưng tửng nghĩ rằng thị trường đang đi lên, đang tốt đẹp, trong khi bên trong là một cái “chết” được báo trước.