Thoạt nhìn, có thể dễ dàng suy luận rằng càng xa trung tâm, giá đất sẽ càng giảm. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh khác: nhiều đô thị vệ tinh quanh TP.HCM không những không “lép vế” mà còn nằm trong nhóm có giá đất cao nhất cả nước.
Biên Hòa và Thủ Dầu Một là hai ví dụ điển hình. Với lợi thế là trung tâm hành chính của tỉnh, cùng với hệ thống hạ tầng kết nối trực tiếp và nhanh chóng về TP.HCM, giá đất tại hai khu vực này đạt mức trung bình lần lượt là 130 triệu đồng/m² (Biên Hòa) và 91 triệu đồng/m² (Thủ Dầu Một). Đây đều là những cái tên lọt top 15 tỉnh lỵ có giá đất cao nhất cả nước – một thứ hạng phản ánh sức hút mạnh mẽ của thị trường địa phương.
Vũng Tàu, dù có khoảng cách xa hơn so với TP.HCM nếu tính theo bán kính, lại sở hữu một lợi thế riêng: du lịch biển. Với nền tảng phát triển sớm và vị thế là một trong những thành phố biển nổi bật khu vực phía Nam, giá đất mặt tiền tại Vũng Tàu hiện đạt mức trung bình 160 triệu đồng/m², tiệm cận với nhiều quận vùng ven như Quận 2 hay Quận 9 (nay là TP. Thủ Đức). Mặc dù từ năm 2012, tỉnh lỵ của Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuyển về TP. Bà Rịa, nhưng điều đó không làm giảm đi vai trò đầu tàu kinh tế – du lịch của Vũng Tàu trong tỉnh này.
Ở chiều ngược lại, Tân An (Long An) lại là khu vực có giá đất mặt tiền trung bình thấp nhất trong nhóm khảo sát, vào khoảng 40 triệu đồng/m². Dù chưa có những bước phát triển mạnh mẽ về hạ tầng hay nhu cầu lớn từ thị trường thứ cấp, nhưng chính sự "im ắng" này lại là cơ hội. Gần đây, nhiều “ông lớn” bất động sản đã âm thầm lựa chọn Long An làm điểm đến, cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn nếu có thêm các lực đẩy phù hợp.
Nguồn: Biggee