Với mức thu nhập 18-23 triệu đồng/tháng, Trang thuê căn phòng giá 4 triệu đồng (chưa tính điện, nước, phí quản lý). Trung bình mỗi tháng, anh tiêu tốn ít nhất 15 triệu đồng cho phí sinh hoạt, mua sắm và tiết kiệm 5-7 triệu đồng.
"Vào những tháng lễ, Tết đi về quê Hà Tĩnh hoặc có một chuyến du lịch, tôi không thể dôi dư. Ngót nghét 30 tuổi, tài khoản tiết kiệm của tôi cũng chỉ chạm mốc 200 triệu đồng, dĩ nhiên căn nhà vài tỷ đồng ở thành phố là điều quá xa vời", Trang nói.
Mỹ Linh (24 tuổi) hiện làm nhân viên cho một công ty truyền thông ở quận 1. Thu nhập của cô loanh quanh ở mức 10 triệu/tháng, đã tính tiền lương và các công việc bên ngoài.
"Với thu nhập hiện tại, tôi nghĩ làm cả đời cũng không mua được nhà ở TP.HCM. Đó là giấc mơ không tưởng", cô chia sẻ.
Giá bất động sản tăng chóng mặt, đặc biệt vào những năm hậu đại dịch Covid-19, trong khi thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người khẳng định có đi làm cả đời cũng không thể mua nổi nhà.
Theo báo cáo điều tra về nhu cầu nhà ở đến năm 2030 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, người dân tại thành phố chỉ có khả năng chi trả nửa căn nhà (trung bình là 49-68% giá trị một bất động sản).
Cụ thể, báo cáo cho biết người dân TP.HCM chủ yếu muốn tìm các căn hộ một phòng ngủ, chỉ số ít muốn tìm mua căn hộ 2 ngủ. Tuy nhiên, với diện tích trung bình mong muốn khoảng 66 m2 và mức giá từ 2,3 tỷ đến 8 tỷ đồng, khả năng chi trả của người dân hiện chỉ đạt khoảng 53% giá trị căn hộ.
Cre: Zingnews