“Có an cư mới lạc nghiệp” – câu nói ấy dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của hàng triệu người. Nhưng trong bối cảnh giá bất động sản không ngừng leo thang, thị trường ngày càng khắc nghiệt, và áp lực tài chính đè nặng lên tầng lớp trung lưu, thì lựa chọn “ở thuê cả đời” có thật sự đồng nghĩa với thất bại?
Một lựa chọn… bị định kiến
Tại Việt Nam, sở hữu nhà được xem là một minh chứng rõ ràng cho sự ổn định , một dạng “hộ chiếu xã hội”. Người trẻ ở thuê, dù có thu nhập tốt, vẫn thường bị xem là “chưa ổn định”, “thiếu trách nhiệm với tương lai”. Không ít gia đình coi việc con cái mua được nhà là mốc để… yên tâm lo chuyện cưới xin.
Tuy nhiên, định kiến này dường như đang trở nên lỗi thời khi ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn ở thuê dài hạn như một chiến lược tài chính có tính toán, không còn là phương án “bất đắc dĩ”.
Ở thuê – một cách để sống linh hoạt hơn
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, công việc biến động, chi phí sinh hoạt tăng cao, việc bỏ ra vài tỷ đồng để sở hữu một căn hộ, rồi gánh theo khoản nợ trong 20–30 năm không còn là lựa chọn “an cư” lý tưởng với nhiều người.
Thay vào đó, thuê nhà giúp người trẻ có khả năng di chuyển linh hoạt, đổi chỗ ở theo công việc, nhu cầu sống hoặc chất lượng môi trường. Họ có thể chọn một nơi gần chỗ làm, nhiều tiện ích, hoặc thậm chí “sống thử” ở các khu vực khác nhau trước khi quyết định nơi sinh sống lâu dài.
Quan trọng hơn, số tiền thay vì dồn vào mua nhà có thể được đầu tư vào kinh doanh, học tập, du lịch, hoặc dùng để nâng cao chất lượng sống, những điều không thể làm được khi phải xoay sở trả góp hàng tháng.
Tính toán tài chính: ở thuê chưa chắc “lỗ”
Một thực tế cần nhìn nhận: ở thuê không có nghĩa là “ném tiền qua cửa sổ”. Nhiều người cho rằng tiền thuê nhà là khoản “mất trắng”, trong khi trả góp là “tiền đầu tư”. Nhưng thực tế, với giá nhà quá cao so với thu nhập hiện nay, người mua thường phải vay đến 70% giá trị căn hộ, và trả lãi ngân hàng lên tới hàng trăm triệu trong nhiều năm.
Ví dụ: Một căn hộ 2 tỷ đồng, vay 1,4 tỷ trong 20 năm, trung bình mỗi tháng người mua phải trả khoảng 13–15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Trong khi đó, thuê một căn hộ tương đương có thể chỉ mất khoảng 6–8 triệu đồng/tháng.
Ở các nước phát triển như Đức, Thụy Sĩ hay Nhật Bản, tỷ lệ người dân sống thuê dài hạn rất cao, và điều đó không ảnh hưởng gì đến chất lượng sống hay cơ hội phát triển. Thậm chí, ở Thụy Sĩ m, một trong những quốc gia có mức sống cao nhất thế giới chỉ khoảng 37% người dân sở hữu nhà riêng.
Rào cản lớn nhất: thiếu chính sách thuê bền vững
Dù có những lợi ích rõ ràng, nhưng ở Việt Nam, lựa chọn ở thuê vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, phần lớn đến từ thiếu hành lang pháp lý và thị trường thuê chuyên nghiệp.
Người thuê thường phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà: giá có thể bị tăng bất ngờ, hợp đồng mập mờ, bị lấy lại nhà đột ngột. Các khu chung cư cho thuê dài hạn theo mô hình chuyên nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, các loại hình căn hộ cho thuê dạng nhỏ lẻ, nhà trọ, căn hộ mini còn thiếu an toàn, thiếu dịch vụ quản lý và chất lượng kém.
Nếu chính sách về nhà ở cho thuê được cải thiện, cùng với sự phát triển của các dự án cho thuê chuyên nghiệp, mô hình sống thuê hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn bền vững chứ không còn là giải pháp “tạm bợ”.
Sở hữu hay thuê: quan trọng là phù hợp
Cuối cùng, thay vì đặt ra quan điểm tuyệt đối rằng “phải có nhà mới là ổn định”, đã đến lúc xã hội nhìn nhận rằng mỗi người có một chiến lược sống và tài chính riêng.
Sở hữu nhà không sai. Nhưng ở thuê cũng không có gì sai. Quan trọng là chọn lựa phù hợp với khả năng, mục tiêu sống, và không bị áp lực bởi kỳ vọng xã hội. Thành công không nằm ở giấy tờ sổ đỏ, mà ở sự chủ động, an tâm và chất lượng sống thực tế.