Sau 7 năm về chung một nhà, ở độ tuổi 34, Thu Trang và chồng cô đã đạt mục tiêu “có nhà Hà Nội” mà không cần đến sự hỗ trợ từ các khoản vay ngân hàng. Đây không chỉ là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống, mà còn là nguồn cảm hứng cho những cặp vợ chồng trẻ khác trong việc lập kế hoạch tài chính và đầu tư.
Miệt mài mua vàng, tiết kiệm suốt 7 năm, chưa từng có tháng nào “phá lệ”
Giữa năm 2023, vợ chồng Thu Trang chốt mua 1 căn chung cư 90m2 ở trung tâm Hà Nội với mức giá 5 tỷ đồng, bao gồm cả phí sang tên.
Thu Trang cho biết khi quyết định mua nhà, vợ chồng cô đã có trong tay 4 tỷ đồng, bao gồm tiền tiết kiệm, tiền bán vàng. Với 1 tỷ còn thiếu, cặp vợ chồng này quyết định sẽ vay mượn người thân, bạn bè chứ không vay ngân hàng để giảm thiểu áp lực tiền lãi. Có người cho vợ chồng cô vay không tính lãi, dù số tiền vay lên tới cả mấy trăm triệu, cũng có người cho vay tính lãi nhưng vẫn ít hơn lãi vay ngân hàng.
“Tôi và chồng kết hôn khi cả hai 25 tuổi, gần như là chưa có gì trong tay dù công việc và thu nhập khá ổn định. Sau khi cưới, chúng tôi sống cùng bố mẹ, không mất tiền thuê nhà nhưng cả 2 đều xác định sẽ ở riêng, nên mới bắt đầu tiết kiệm.
Hàng tháng, với tổng thu nhập của cả 2 là 50 triệu đồng, vợ chồng tôi đều gửi tiết kiệm 30 triệu, mua 2 chỉ vàng. Chưa có tháng nào phá lệ trong suốt 7 năm từ năm 2016 cho đến năm 2023 khi mua được nhà.
Cứ nhận lương là sẽ gửi tiết kiệm và đi mua vàng ngay. Đó là 2 khoản cố định, ngoài ra chúng tôi cũng gửi mẹ chồng 5 triệu mỗi tháng để mẹ lo tiền ăn. Sau đó còn dư bao nhiêu, 2 vợ chồng mới cân đối các khoản chi tiêu cá nhân và mua sắm. Có những thời điểm giá vàng tăng, nhưng chúng tôi vẫn cố mua cho đủ 2 chỉ, đành chấp nhận tháng đó không có tiền tiêu vặt hay ăn uống hẹn hò bên ngoài” - Thu Trang chia sẻ.
Quyết tâm tiết kiệm kỷ luật như vậy suốt 7 năm, đến khi mua nhà, vợ chồng Thu Trang có 16,8 cây vàng và gần 2,8 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi). Lúc chốt mua nhà, vợ chồng cô mang toàn bộ số vàng tích lũy được cùng vàng cưới đi bán, cộng thêm tiền tiết kiệm là có trong tay 4 tỷ tiền mặt.
“Trung bình chi tiêu hàng tháng của vợ chồng tôi sau khi mua nhà chỉ dừng lại ở mức 19-20 triệu đồng/tháng.
- Tiền học của con: 3,5 triệu đồng
- Điện nước, wifi, phí dịch vụ chung cư: 2,2 triệu đồng
- Tiền ăn của cả nhà, tiền sữa tươi cho con: 7 triệu đồng
- Tiền hiếu hỷ, phát sinh: 2 triệu đồng
- Tiền dự phòng: 2 triệu đồng
- Mua đồ dùng gia đình: 1 triệu đồng
- Chi tiêu cá nhân (xăng xe, điện thoại): 1 triệu đồng/2 người.
Chúng tôi hạn chế tối đa việc vui chơi, ăn uống bên ngoài. Cuối tuần sẽ cho con về chơi với ông bà hoặc đi công viên để giảm chi phí. Không phải tháng nào cũng có hiếu hỷ phát sinh, hay cần mua đồ dùng gia đình, nên thực tế chi tiêu hàng tháng của cả nhà ổn định ở mức 18-19 triệu đồng, hiếm khi nào hết 20 triệu đồng và chưa bao giờ hơn” - Thu Trang chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường cố gắng vừa qua, Thu Trang thừa nhận cũng có những lúc cảm thấy mệt mỏi, nản lòng vì sau khi mua vàng, gửi tiết kiệm thì tiền chi tiêu chẳng còn lại bao nhiêu. Nhưng nhờ có bố mẹ 2 bên động viên, hỗ trợ nên vợ chồng cô mới có thể hoàn thành mục tiêu mua nhà.
Cuối cùng, Thu Trang nhấn mạnh rằng các cặp vợ chồng, đặc biệt là những người mới kết hôn, nếu muốn mua nhà thì phải tiết kiệm hết sức có thể, không chịu khổ được thì tương lai có nhà riêng sẽ còn rất xa.
Theo Phụ nữ số