“Hô biến” vùng đất thành phong cách đồng quê châu Âu
Chị Phạm Diệu Linh (SN 1994, quê ở Tuyên Quang) quyết định rời Hà Nội để lên Mộc Châu sinh sống từ năm 2022, sau vài biến cố và áp lực từ cả công việc lẫn cuộc sống. Chị mong muốn có một chốn “chữa lành” tách xa ồn ào náo nhiệt phố thị để được hòa mình vào thiên nhiên.
Tại Mộc Châu, chị thuê mảnh đất rộng 800m2 của người quen ở Bản Áng, cách trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng 4km với giá 20 triệu đồng/năm. Chị hi vọng “hô biến” nơi này thành một nông trại theo phong cách đồng quê châu Âu với ngôi nhà nhỏ, hàng rào gỗ màu trắng, xung quanh là vườn hoa thơm.
Vì trên mảnh đất có sẵn căn nhà 200m2 mà chủ cũ để lại, kết cấu vẫn còn chắc chắn nên chị Linh quyết định tu sửa lại. Đây vốn là nơi gia đình họ từng sống rồi chuyển thành kho cất giống cây và chuồng nuôi gia cầm, gia súc. Khi bàn giao lại, công trình đã xuống cấp. Các phần tường bong tróc từng mảng, ngói vỡ nát, phía trước cỏ mọc um tùm.
Cô gái trẻ chọn giữ nguyên khung nhà ban đầu, thay phần mái hỏng bằng tôn lạnh, làm trần nhựa thả với mức giá hợp lý. Ở bên trong, chị thuê thợ trát nốt phần tường dang dở từ trước và phía ngoài.
Tự tay hoàn thiện ngôi nhà
Cô gái trẻ thừa nhận, quá trình cải tạo nhà khá vất vả. Để tiết kiệm chi phí và thỏa sức sáng tạo theo ý thích, chị tự lên ý tưởng thay vì thuê đơn vị thiết kế, tự học cách sơn tường, may rèm hay trang trí phòng để tiết kiệm tiền. Mẹ và em trai cũng lên Mộc Châu phụ giúp cô, cùng đóng cửa gỗ, bàn bếp và dựng hàng rào xung quanh khu đất.
Chỉ những công việc đòi hỏi chuyên môn của thợ xây và thợ làm mái, chị Linh mới phải thuê người. Tuy nhiên, quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn vì không có bản vẽ thiết kế, ý tưởng hoàn toàn truyền đạt bằng miệng nên thợ địa phương nhiều khi không hiểu hết ý cô.
Chưa kể, khi nhà cải tạo được một nửa thì dịch Covid-19 bùng phát, thợ thay nhau nghỉ do nhiễm bệnh mà giá vật liệu lại leo thang khiến quá trình thi công liên tục gián đoạn.
Thời điểm gần hoàn thiện, cô gái trẻ còn phải thức trắng đêm khâu tay chiếc rèm khổ rộng, ngăn giữa phòng khách và khu vệ sinh vì không thể mua thêm gỗ palet về đóng thành cửa.
Một không gian mới cho cuộc sống
Sau nửa năm, khu nhà ở cũng được cải tạo xong xuôi với diện mạo mới, thiết kế theo phong cách farmhouse với tông chủ đạo là trắng, xanh bạc hà và nâu gỗ, gồm: 4 phòng ngủ được sắp đặt theo chủ đề xuân, hạ, thu, đông; 1 bếp ăn và phòng khách.
Ngoài khu vực nhà ở, chị Linh còn thiết kế thêm góc trồng hoa bố trí trước cửa nhà và làm một khu vườn trồng rau có diện tích chừng 600m2, ưu tiên lối sống tự cung tự cấp.
Điều đầu tiên chị Linh cảm nhận rõ nhất là chất lượng sống được cải thiện. Nhà ở rộng rãi hơn, thực phẩm tự cung tự cấp nên đảm bảo an toàn với sức khỏe.
“Không gian sống mới có ý nghĩa rất lớn, là nơi mình được tìm lại những giây phút bình yên, được làm công việc mình thích, tuy vất vả nhưng hạnh phúc. Để cải tạo lại ngôi nhà cũ và khu vườn, mình đã dồn rất nhiều tâm huyết nên coi homestay này như đứa con tinh thần, dành trọn yêu thương”, chị Linh bày tỏ.
Nguồn: emdep.vn