Sau cú ngã đau năm 2013, mình quyết định từ bỏ việc đầu cơ và chuyển sang đầu tư theo hướng dài hạn, bền vững hơn.
Mình không bắt đầu bằng việc mua nhà để ở, mà đầu tư vào bất động sản cho thuê – thậm chí có thời điểm mình thuê nhà rồi cho thuê lại để tạo dòng tiền.
Qua quá trình quan sát và trải nghiệm, mình nhận thấy: mặt bằng giá bất động sản hiện nay không còn phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân tại Hà Nội. Với mức thu nhập trung bình chỉ khoảng 15–30 triệu/tháng, khả năng chi trả cho một bất động sản ngày càng xa vời, đặc biệt là khi lãi suất ưu đãi kết thúc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tuổi trẻ Online
Hiện tại, mình cũng không còn nhu cầu đầu tư thêm vì tỷ suất lợi nhuận quá thấp. Giá nhà cao trong khi giá cho thuê giảm, cộng thêm các quy định pháp lý như PCCC ngày càng phức tạp khiến bài toán đầu tư kém hấp dẫn.
Mình tin rằng khi giá bất động sản vượt xa khả năng chi trả của đại đa số, sớm muộn thị trường cũng sẽ có sự điều chỉnh. Dù khó có thể giảm sâu như giai đoạn 2013, nhưng theo mình, mức điều chỉnh sắp tới sẽ mạnh hơn đợt giảm năm 2022.
Cần nhấn mạnh rằng năm 2022 không hề có chính sách mạnh tay nào để bình ổn thị trường, vậy mà giá vẫn lao dốc. Thế thì không có lý do gì đến năm 2025 – khi Nhà nước tung loạt chính sách hỗ trợ như phát triển NOXH hay khơi thông nguồn lực nhà ở – mà giá lại tiếp tục tăng mạnh một cách bền vững.
Với những ai đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao, có lẽ sắp tới sẽ là thời điểm "trả bài". Cá nhân mình đã trải qua điều đó năm 2013 và chính cú sốc ấy giúp mình chuyển hướng sang đầu tư dài hạn, kinh doanh thực chất thay vì lướt sóng.
Cuối cùng, mình cũng muốn chia sẻ một lời khuyên: đừng để tiền "nằm yên" quá lâu trong ngân hàng. Nếu có thể, hãy tìm cách chuyển hóa tài sản sang các hình thức kinh doanh hoặc hoạt động tạo dòng tiền ổn định – đó là cách duy trì tài sản bền vững hơn trong dài hạn.