- Năm 2008 lạm phát kỷ lục, đồng tiền mất giá, cả xã hội lên cơn sốt, lãi vay ngân hàng tăng vọt từng ngày.
- Năm 2010, kinh tế suy thoái trầm trọng, nhưng nhà đất Hà Nội lại nóng ran, giá tăng như thổi (do công bố Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 - quy hoạch này vẫn áp dụng đến hiện tại, nhiều công trình đã triển khai, ví dụ vàng đai 3, vành đai 3,5 nhưng nhiều công trình sau 15 năm vẫn còn trên giấy, ví dụ trục Thăng Long Hoàng Quốc Việt - Sơn Tây - Ba Vì). Năm đó, người Hà Nội rầm rầm từng đoàn đi ra mạn Hoài Đức, Thạch Thất, Hòa Lạc… nghiêng ngó đất. Nhiều người đu đỉnh, mãi đến năm 2021 mới thoát được hàng.
Trong nội thành, giá chung cư cũng tăng theo tuần. Nguyên nhân là Hà Nội lần đầu công bố Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và Hà Tây sau 3 năm sáp nhập vào Hà Nội. Đất chỉ sốt mạn phía Tây, còn mạn Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì vẫn băng, không ai nghiêng ngó.
- Nhưng chỉ sốt được khoảng 5-6 tháng thì đất đai Hà Nội đột ngột đóng băng (âm 18 độ C). Đỉnh điểm của băng là năm 2011-2012, đất cỏ mọc không ai buồn ngó.
*Mình có 2 cậu em. Một cậu năm 2010, giá chung cư HN tăng từng ngày sốc. Hai vợ chồng cậu mất ăn mất ngủ, không chịu được nhiệt, sợ còn tăng thêm, nên phải vay ngân hàng, đắp điếm mua 1 cái chung cư ở khu vực Ngã Tư Sở - Tây Sơn, với giá kỷ lục hồi đó là 40tr đồng/m2. Cả công ty nghe lạnh gáy. Nhưng mua xong 3 tháng sau thì đóng băng, giá rớt thảm bại, còn hơn 20tr/m. Mình đi cafe ở đâu cũng gặp anh em bàn tán, xì xào,
rằng vợ chồng thằng Y con X mới gọi là khốn khổ, lúc đỉnh điểm thì mua nhà, giờ bán không ai mua lại, vì người ta đều nghĩ giá còn xuống nữa, với lại có phải ai cũng có tiền để mua đâu. Cậu em buồn lắm, dù không ai nói ra, nhưng đến công ty ai cũng bóng gió là xui, là dại. Chẳng ai chê bai gì cả, nhưng tự trong tâm thấy xấu hổ, vì tự nhiên đi đú đởn, tiền đã không có lại mua căn nhà mà tính ra giá mua bằng 2 căn của người ta.
Cậu em thứ 2, bán ruộng đất ở quê lên mạn Hà Đông mua 1 mảnh đất. Hồi năm 2007-2008 giá khu này chỉ chỉ 6-7 triệu đồng/m2. Nhưng đến năm 2010, đúng đợt sốt đất, giá tăng lên 10 rồi 12tr đ/m, khoảng tháng 5-2010 thì tăng lên 35 tr/m. Cậu em chốt hợp đồng đúng lúc 35tr, môi giới ai cũng doạ giá còn lên nữa, làng bên đã lên 50-60tr đ/m rồi. Nhưng ai đâu ngờ, đến khoảng tháng 9, tháng 10-2010 thì băng giá bắt đầu ập đến. Chung cư nội thành 35-40 rớt lại 20. Đất ngoại thành 35 rớt dần về 17. Đáy giá đất ngoại thành là năm 2013-2014, chỗ giá 35 chỉ còn 12. Mình may mắn mua được 1 mảnh giá 12.5
Mức giá này gần như đóng băng đến tận năm 2016-2017, đến tận năm 2020 covid mới dần nhích lên. Đến năm 2021 mới bắt đầu vào cơn sốt mới.
Cậu em rất buồn. Mua 1 mảnh đất mà bằng 3 mảnh người ta chỉ 2-3 năm sau đó. Mua xong, xây tạm ngôi nhà để ở. Mà càng ở lại càng buồn. Sau cậu phải bán đi để bắn xới sang khu khác.
Mình đảm bảo với mọi người, bây giờ dù giá đất có như thế nào thì với hai cậu em mà mình biết, cũng chẳng bao giờ buồn quan tâm nữa. Có khi là tởn đến già luôn.
Thật sự. Mua được ngôi nhà mảnh đất phải khoan khoái mới ở được. Chứ mua xong mà phải xót xa hậm hực, cả đời cứ đeo đẳng cái nỗi buồn trong lòng, thì tâm trạng nào để làm ăn kinh tế, cảm hứng nào để mời anh em bạn bè đến thăm thú, chúc tụng. Cho nên, lời khuyên cho những ai chưa có nhà có đất, là đừng nóng vội, cứ tham khảo, lấy nỗi đau của những người đã thất bại để làm bài học. Mình nghe nói, có nhiều gia đình, vck li tán, bỏ nhau chỉ vì những quyết định sai lầm trong cuộc sống.
Đất có tăng thì có giảm. Không phải ai cũng sẵn tiền. Vật chất trong xã hội là có giới hạn.
Trong cuộc đời mình đã từng chứng kiến những lần sốt đất Hà Nội như sau:
*2003 sốt ảo Hà Nội sau đó đóng băng, kẹt hàng
*2010 sốt ảo Hà Nội sau đó đóng băng, kẹt hàng
*2021 sốt ảo cả nước trong 5-7 tháng rồi đóng băng đến bây giờ (ngoại trừ Hà Nội)
Sau các cơn sốt này, khoảng 2-3-4 năm sau, giá đất đều rơi về đáy. Có năm giảm tới 60-70% chứ không phải 50%
Lúc nhà đất đóng băng, mua rất sướng.
Vấn đề là thường ít ai còn giữ được tiền đến lúc giá nó về tới đáy
*)Một chia sẻ của Fber Nguyễn Phương về câu chuyện mua, xin phép share cùng diễn đàn