Theo bản tin tiêu điểm của Techcombank Priority về thị trường bất động sản, năm 2024, dự báo Hà Nội và TP.HCM sẽ đóng góp cho thị trường khoảng 36.200 căn hộ cao tầng và thấp tầng.
Cụ thể, Hà Nội ghi nhận thêm 26.100 căn và TP.HCM ghi nhận thêm 10.100 căn. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung thực tế chỉ đáp ứng được 46% nguồn cung dự kiến.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc cung cấp cho thị trường khoảng 13.300 căn hộ cao tầng và thấp tầng (chiếm 50% nguồn cung dự kiến năm 2024).
Còn TP.HCM và các tỉnh lân cận phía Nam cung cấp cho thị trường khoảng 3.200 căn hộ cao tầng và thấp tầng (chỉ chiếm 32% nguồn cung dự kiến năm 2024).
Trước tình trạng giá đất trúng đấu giá bị đẩy lên cao đột biến trong thời gian qua tại Hà Nội, đặc biệt tại các huyện ngoại thành, các cơ quan chức năng đã cho tạm dừng lại việc tổ chức đấu giá để rà soát pháp lý. Sau khi rà soát và đưa ra nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ, Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá hơn 250 lô đất ở các huyện ven trong những tháng tới.
Những quy định chặt chẽ hơn trong việc tổ chức đấu giá được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng “sốt ảo” (thực tế đã có một số lượng các nhà đầu cơ đã bỏ cọc), góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở thực sự cho người dân và tăng thu ngân sách đất đai.
Đơn vị này đưa ra nhận định, nguồn cung cao tầng và thấp tầng tiếp tục được cải thiện tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2024, nhưng thực tế nguồn cung chỉ đáp ứng được 46% so với dự kiến cho cả năm 2024.
“Nếu so với giai đoạn trước Covid-2019 thì nguồn cung cả năm 2024 chỉ bằng 50%-60%. Điều này cho thấy nguồn cung vẫn đang trong phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện nay xảy ra tình trạng một số nhà đầu cơ đang đẩy giá đất lên cao gây ra tình trạng “sốt đất ảo” ở một số khu vực nên do đó các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng trong việc thẩm định giá đất trước khi quyết định đầu tư”, nhận định tại báo cáo tiêu điểm của Techcombank Priority.
Việc ách tắc gần 9.000 hồ sơ đất đai tại TP.HCM hiện nay do ảnh hưởng của khung giá đất mới đang làm nguồn cung tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. Vì vậy, thị trường bất động sản ở những tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có ưu thế do một số nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các tỉnh lân cận TP.HCM để đón đầu cơ hội trong giai đoạn đầu phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam.
Phương Hoàng/Nhịp sống thị trường