Sáng 9/11, tại TP. Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản Quốc gia 2024 với chủ đề "Vững tâm vào chu kỳ mới". Chương trình được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản phối hợp với Hội đồng Bất động sản Việt Nam (VREC).
Theo thông tin từ chương trình, những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều biến động mạnh mẽ. Sự điều chỉnh của các chính sách vĩ mô, những biến động của nền kinh tế toàn cầu, cùng với sự hoàn thiện của khung pháp lý đã tạo nên một bức tranh thị trường đa sắc thái, với cả những thách thức và cơ hội đan xen.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cho biết: "Chu kỳ mới này sẽ đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Các nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và nâng cao năng lực quản trị, vận hành để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả".
Cùng phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, thị trường đang có nhiều rủi ro, thách thức ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024 - 2025.
Trong đó, xung đột địa chính trị phức tạp, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu... Đồng thời, tăng trưởng kinh tế toàn chậm lại (nhất là các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…) sẽ khiến cho đà phục hồi của xuất khẩu, du lịch và đầu tư bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, chi phí đầu vào cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động… Nhất là rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm... Mặc dù vậy, TS. Lực vẫn cho rằng, doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cũng đã đưa ra những nhìn nhận, đánh giá về tác động từ chính sách vĩ mô đến thị trường bất động sản.
Ông Khởi cho biết, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, chịu sự tác động mạnh mẽ từ cơ chế chính sách. Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến nhiều bước tiến vượt bậc trong nhiều khía cạnh.
Đầu tiên, các chủ thế tham gia vào thị trường bất động sản càng ngày càng đông, không chỉ nói về cơ hội, điều kiện, lực lượng (chủ đầu tư, nhà đầu tư, môi giới...), nguồn vốn... các sản phẩm bất động sản cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn, từ phân khúc bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch, bất động sản khu công nghiệp…
Bên cạnh đó, mức độ lan tỏa sâu, xa và rộng hơn, bởi trước đây chỉ tập trung quan tâm phát triển tại các khu đô thị lớn mà nay bất động sản ở vùng ven, nhiều tỉnh thành cũng ghi nhận phát triển tích cực.
Nguồn vốn vào thị trường bất động sản cũng tăng cao, ngoài vốn từ Nhà nước mà còn đến từ Ngân hàng, nguồn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần xem xét hiện nay như liên quan đến sự chênh lệch cung - cầu, cơ cấu sản phẩm mất cân đối: nhà ở thương mại cao cấp quá nhiều trong khi nhà ở xã hội thì thiếu.
Nguồn vốn tham gia thị trường bất động sản chưa thực sự đồng đều, phụ thuộc chủ yếu từ Ngân hàng. Điều này dẫn đến, khi Nhà nước điều chỉnh về chính sách tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản cũng ngay lập tức bị ảnh hưởng.
"Đặc biệt, giá bất động sản tăng cao bất thường so với nhu cầu thực tế. Tại Hà Nội, có những dự án tăng đến 100%, còn tăng từ 25-50% thì rất nhiều. Chưa kể, giá nhà riêng trong phố, trong ngõ cũng tăng theo. Phải chăng bất động sản đang có "giá trị" như vậy nên mới tăng hay bản thân giá bất động sản tự tăng?, ông Khởi đặt câu hỏi.
Một vấn đề nữa là liên quan đến ách tắc pháp lý như khó khăn trong công tác vay vốn, triển khai dự án, đưa ra vận hành...
Một số lực lượng tham gia thị trường bất động sản cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, hoạt động sai lệch và có hiện tượng làm "méo mó, lũng đoạn" thị trường.
Qua đó, ông Khởi kiến nghị cần có chính sách tăng cung nhà ở trong từng giai đoạn cần thiết; thành lập trung tâm giao dịch bất động sản quốc gia tại các thành phố lớn để Nhà nước quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn; đánh thuế bất động sản đối với người sở hữu nhiều nhà đất, giảm tình trạng đầu cơ; tăng quỹ đất để phát triển dự án; thực hiện xử lý các hành vi vi phạm nghiêm khắc hơn...
Nhật Anh/Nhịp sống thị trường