Khi nghe câu chuyện này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định: “Không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà; không chấp nhận BQT chung cư phớt lờ khuyến nghị của UBND huyện Nhà Bè”.
Ông Châu cho biết, TPHCM hiện có 474 khu chung cư xây dựng trước 1975 và những chung cư đã có từ 2005 trở về trước gần như không có ban quản trị chung cư mà cư dân sử dụng hình thức như tổ dân phố để quản lý.
Từ khi có Luật nhà ở 2005, các dự án nhà chung cư sau khi đưa vào vận hành phải tổ chức đại hội nhà chung cư và bầu ra ban quản trị (BQT). Theo quy định, đối với những chung cư dưới 5 tầng, không có thang máy thì BQT tự vận hành, song những khu nhà cao hơn thì phải có công ty quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Về quyền lợi cư dân, ông Châu cho biết trước tiên họ có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng và chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, cư dân có quyền sau 50 ngày được làm thủ tục cấp sổ hồng. Thứ ba, quyền được phục vụ và họ bầu ra BQT để quản lý, vận hành chung cư.
Trả lời câu hỏi “ai là người bảo vệ quyền lợi đó cho cư dân?”, ông Châu cho biết Nhà nước là người bảo vệ thông qua thể chế pháp luật, phân rõ trách nhiệm của UBND phường, quận...
Trong câu chuyện của chung cư Phú Hoàng Anh, Chủ tịch HoREA đánh giá huyện Nhà Bè đã sát sao trong vấn đề này nhưng còn hơi “mềm”. Bởi, khi BQT không chấp hành, huyện chưa làm đến nơi đến chốn.
Bên cạnh đó, ông Châu cho biết chủ đầu tư có thể tham gia quản lý vận hành vì họ là chủ sở hữu khối đế, hầm giữ xe. Vì vậy, có quy định chủ đầu tư là Phó trưởng BQT nên chủ đầu tư cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho cư dân.
“Những xung đột lợi ích thì BQT phải chấn chỉnh vì vai trò của BQT là không thể thiếu. Chúng ta đấu tranh với những tiêu cực trong BQT nhưng cũng cần khuyến khích các hoạt động của BQT", ông Châu nhấn mạnh.
Những tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng là đơn vị hỗ trợ cho cư dân. Tiếp theo là báo chí truyền thông. Bên cạnh đó còn có hệ thống tư pháp, các luật sư cũng sát cánh bảo vệ lợi ích cho cộng đồng cư dân trong chung cư.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Châm (77 tuổi, thường trú tại Hà Nội) đã có đơn cầu cứu về việc bị ban quản trị “giam nhà”. Cụ thể, bà Châm cho biết năm 2017, con trai bà là Đỗ Hoàng Hưng mua 3 căn hộ D2.1, D2.5, D2.6 tại Cao ốc Phú Hoàng Anh.
Những căn hộ này được tặng cho bà Châm để dưỡng già. Ngày 10/7/2017, bà Châm được chủ đầu tư bàn giao nhà và chìa khóa sau khi tất toán các khoản thanh toán cũng như phí, thuế và lệ phí... Nhận nhà xong, bà Châm thuê đơn vị thiết kế nội thất và ký hợp đồng để thực hiện.
Khi bà xuống văn phòng ban quản lý chung cư yêu cầu mở nước để tiến hành thi công nội thất thì nơi đây trả lời sẽ xin ý kiến của ban quản trị. Song, thay vì mở cửa, mở điện nước thì ban quản trị yêu cầu ban quản lý cho xịt keo vào ổ khóa nhà, đồng thời khóa luôn cả hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm, thậm chí lột bỏ nút ấn thang máy lên tầng 2.
Từ đó tới nay, bà Châm không thể vào được nhà của mình. Cùng cảnh ngộ, 3 hộ dân khác là chủ sở hữu hợp pháp căn hộ D2.2, D2.3 và D2.4 cũng khổ sở vì bị “giam” nhà.
UBND huyện Nhà Bè, TPHCM ngày 8/3 đã có văn bản liên quan công tác giải quyết khiếu nại của người dân tại Cao ốc Phú Hoàng Anh. Theo đó, UBND huyện cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 3 căn hộ trên. Do đó, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các hộ dân này là hợp pháp.
“Vì vậy, việc ban quản trị cao ốc Phú Hoàng Anh cản trở người dân vào sử dụng là không đúng theo thẩm quyền quy định”, văn bản nhấn mạnh.
Từ đó, UBND huyền Nhà Bè đã có văn bản báo cáo và đề xuất phương hướng giải quyết gửi UBND TPHCM nhằm giải quyết dứt điểm sự việc này. Hiện, UBND huyện đang tập trung phối hợp giải quyết vụ việc theo quy định.
Theo: Công Quang/Công Luận