Dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn “nghỉ giữa hiệp” nhưng theo Báo cáo khảo sát người mua bất động sản Hà Nội do OneHousing thực hiện tháng 6/2025, có tới 87% người tham gia cho biết đang có nhu cầu mua nhà bao gồm cả nhóm “đang cân nhắc” và “đang chuẩn bị mua”. Đây là một tín hiệu đáng chú ý, bởi tỷ lệ này đã nhích nhẹ so với mức 84% hồi cuối năm 2024...
Nghĩa là nhu cầu không giảm, chỉ là cách mua đã đổi. Thay vì “đánh nhanh thắng nhanh” như giai đoạn sốt đất, người mua hiện nay bước vào thị trường với tâm thế kiểm soát rủi ro, không còn chạy theo tâm lý đám đông, mà tập trung vào bài toán tài chính cá nhân và giá trị thực của bất động sản. 🧠
📉 Tuy nhiên, số người dự định mua nhà trong vòng 1 năm tới lại giảm, từ 65% xuống còn 57%. Điều này nghe có vẻ trái chiều, nhưng thực chất lại phản ánh rõ nét sự dịch chuyển hành vi mua: nhu cầu vẫn cao, nhưng người mua không còn vội, bởi họ đã rút ra được một bài học đắt giá từ chu kỳ “lên voi xuống chó” những năm vừa qua: mua bất động sản không phải là chạy theo thời điểm, mà là đánh cược bằng cả dòng tiền dài hạn. Và để chuẩn bị cho canh bạc đó, họ cần thời gian để gom đủ tài chính, nghiên cứu kỹ khu vực, pháp lý, thanh khoản chứ không còn xuống tiền theo kiểu “nghe bảo sắp sốt”. 🧐
Theo ông Nguyễn Quốc Tiến – Giám đốc One Mount Group, người Hà Nội bây giờ không chỉ mua bằng cảm xúc, mà là bằng… file Excel. Họ tính kỹ từng phương án vay, từng bài toán trả lãi và đặt ra các kịch bản xấu nhất để không bị rơi vào thế kẹt. Đây là một dấu hiệu tích cực, không chỉ cho người mua mà cả cho thị trường: bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững hơn khi người tham gia tỉnh táo hơn. 💼
Một điểm đáng chú ý khác là người Hà Nội không còn chỉ chăm chăm vào nội đô. Dù 87% người khảo sát vẫn ưu tiên mua nhà tại thủ đô, nhưng đã có 30% đang tìm hiểu thêm về Hải Phòng, 20% cân nhắc Hưng Yên, và 16% không ngại nhìn xa vào Quảng Ninh hay thậm chí TP.HCM. Điều này cho thấy thị trường đang mở rộng không gian lựa chọn, khi hạ tầng kết nối giữa các tỉnh ngày càng tốt hơn và mặt bằng giá tại vùng ven trở nên hấp dẫn hơn hẳn trong bối cảnh giá đất nội đô đã vượt quá sức chịu đựng của đại đa số người mua thực. 🚉
Tóm lại, người Hà Nội không “không vội”, họ chỉ đang vội một cách thông minh hơn. Họ biết rõ tài chính của mình đến đâu, họ chuẩn bị kỹ hơn, và họ bắt đầu coi bất động sản là một quyết định lớn của đời người chứ không phải một cuộc chơi lướt sóng. Và chính sự thận trọng ấy, nếu nhìn ở góc độ tích cực, lại là nền móng cho một thị trường lành mạnh và bền vững hơn về sau. 🧱