Thế nhưng, trong nhiều đô thị phát triển trên thế giới, thuê nhà lại là một lựa chọn hợp pháp, văn minh và bền vững. Không ít người sống cả đời trong một căn hộ thuê, nhưng vẫn an tâm, ổn định như thể đó là nhà của họ.
Vậy vì sao ở Việt Nam, thuê nhà nhất là thuê dài hạn vẫn bị xem là tình thế “không thể khác”? Và điều gì khiến chúng ta chưa thể phát triển một thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp, nơi người đi thuê không phải thấp thỏm mỗi lần chủ nhà đổi ý?
🔍 Vì sao người Việt ngại thuê?
Tại TP.HCM hay Hà Nội, thị trường cho thuê hiện nay vẫn chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ, vận hành theo kiểu tự phát. Hợp đồng có thể được viết tay, không theo mẫu thống nhất, hoặc đơn giản là một lời hứa miệng. Chủ nhà có thể tăng giá hoặc lấy lại nhà bất cứ lúc nào, trong khi người thuê thì không có gì đảm bảo ngoài sự nhẫn nhịn. Đây không chỉ là câu chuyện của một vài cá nhân đơn lẻ, mà là một biểu hiện rõ nét của sự thiếu vắng một khung pháp lý đầy đủ cho thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp.
Chính sự bất ổn này khiến việc thuê nhà dài hạn khó trở thành lựa chọn thực sự. Nhiều người dù không muốn, vẫn chấp nhận mua nhà bằng mọi giá – kể cả vay mượn, sống chật chội, đi làm xa hàng chục cây số mỗi ngày – chỉ để thoát khỏi cảm giác bấp bênh khi đi thuê. Một quyết định nặng về tâm lý hơn là kinh tế, nhưng lại phổ biến đến mức được xem như “bình thường”.
Vấn đề không chỉ nằm ở tâm lý ưa sở hữu của người dân, mà còn ở sự thiếu vắng của các mô hình nhà cho thuê được vận hành bài bản. Ở Việt Nam, gần như không có doanh nghiệp nào chuyên xây nhà để cho thuê dài hạn. Nhà nước cũng chưa phát triển được quỹ nhà cho thuê xã hội với quy mô đáng kể. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng – nếu có – lại nghiêng nhiều về phía các dự án bán nhà hơn là cho thuê. Đây là một lỗ hổng lớn trong chính sách nhà ở quốc gia, khi chúng ta vẫn tập trung quá nhiều vào khía cạnh “mua để sở hữu”, mà quên mất một phần quan trọng không kém: “thuê để sống ổn định”.
Bài học từ thế giới: Nhà cho thuê là công cụ điều tiết thị trường và an sinh
Trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản hay Hà Lan, thuê nhà là lựa chọn phổ biến, được luật pháp bảo vệ rõ ràng. Người thuê nhà tại Berlin hay Tokyo có thể sống ổn định hàng chục năm trong cùng một căn hộ, không lo bị đuổi, không lo giá thuê tăng đột biến, và có đầy đủ quyền lợi để sống như chính chủ. Họ được cải tạo không gian sống, đăng ký hộ khẩu, thậm chí gửi con học trường công gần nhà – những điều tưởng chừng xa vời với người thuê nhà ở các đô thị lớn của Việt Nam.
Nhật Bản: Chính phủ khuyến khích thuê nhà công bằng bằng cách cung cấp nhà cho thuê giá rẻ có kiểm soát, đồng thời hỗ trợ tài chính cho người thuê đủ điều kiện.
Đức: Trên 50% dân số thuê nhà. Hợp đồng thuê dài hạn được pháp luật bảo vệ rất mạnh – chủ nhà không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không có lý do hợp lý. Điều này giúp người thuê sống ổn định trong thời gian dài mà không cần sở hữu.
Singapore: Dù tập trung vào sở hữu, nhưng vẫn có hệ thống nhà thuê công (Public Rental Housing) cho người thu nhập rất thấp, với mức thuê chỉ bằng 5–10% thu nhập hàng tháng.
Giải pháp là gì?
Ở tầm nhìn xa hơn, một thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp không chỉ phục vụ người thu nhập thấp, mà còn là một phần cấu thành quan trọng của một đô thị linh hoạt và bao trùm. Việc cho phép người dân lựa chọn giữa mua, thuê, hay thuê-mua giúp họ có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với năng lực tài chính và giai đoạn cuộc sống của mình.
Một cặp vợ chồng trẻ mới ra trường chưa cần phải dốc toàn bộ tài sản để mua nhà nếu có thể thuê một căn hộ tốt, với giá hợp lý và hợp đồng ổn định trong 5–10 năm. Một người lao động nhập cư cũng có thể gắn bó với thành phố, góp phần vào nền kinh tế nếu họ có chỗ ở tử tế và không bị đuổi ra đường chỉ sau vài tháng.
Để làm được điều đó, cần có những thay đổi căn bản về chính sách. Trước hết, việc thuê nhà dài hạn cần được thừa nhận như một hình thức an cư chính thức, không phải giải pháp tạm thời. Cần có các quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ cả người thuê lẫn bên cho thuê, từ hợp đồng mẫu, thời hạn tối thiểu, điều kiện chấm dứt hợp đồng cho đến quyền sửa chữa, đăng ký cư trú. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thiết kế các chính sách hỗ trợ người thuê nhà – như khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, gói hỗ trợ tiền thuê cho nhóm yếu thế – để họ có thể yên tâm thuê dài hạn thay vì bị dồn ép vào thế phải mua.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích tham gia vào thị trường này. Các mô hình “xây để cho thuê” (build-to-rent) cần được hỗ trợ bằng ưu đãi đất, lãi vay và cơ chế thu hồi vốn lâu dài. Chỉ khi doanh nghiệp thấy lợi nhuận dài hạn từ cho thuê, họ mới đầu tư bài bản vào quản lý, vận hành, bảo trì – từ đó nâng cao chất lượng sống cho người thuê và hình thành niềm tin thị trường.
Cuối cùng, hãy nghĩ đến các mô hình thuê – mua linh hoạt. Đây là hình thức giúp người thuê dần tích lũy quyền sở hữu trong tương lai, thay vì buộc họ phải chọn một trong hai thái cực: hoặc thuê mãi, hoặc mua ngay. Với lộ trình rõ ràng, cam kết minh bạch, thuê-mua có thể là cầu nối hợp lý giúp hàng triệu người Việt hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà mà không phải đánh đổi quá nhiều.
💡 “Thuê” không phải tạm bợ, nếu ta biết làm cho nó trở nên bền vững
Một đô thị văn minh không cần tất cả mọi người đều sở hữu nhà – mà cần mọi người đều có thể sống ổn định, được pháp luật bảo vệ và có quyền lựa chọn.
Nếu muốn thực hiện giấc mơ an cư một cách bao trùm và thực tế hơn, đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại “thuê nhà” – không phải là giải pháp bất đắc dĩ, mà là một hình thức sống đáng tin cậy và tự chủ, nhất là với người trẻ và người thu nhập thấp.
ếu chúng ta tiếp tục né tránh và xem nhẹ hình thức thuê nhà dài hạn, thì vô hình trung đang bỏ lỡ một cơ hội lớn: cơ hội tạo ra một thị trường nhà ở đa dạng, linh hoạt và nhân văn hơn cho tất cả mọi người.
Ở Bài 5 mình sẽ trở lại với một tranh luận đang gây nhiều chú ý:
“Nhà ở xã hội nên cho thuê hay bán?” – phân tích các quan điểm trái chiều trong Quốc hội, và đâu là mô hình phù hợp với bối cảnh đô thị hóa của Việt Nam trong 20 năm tới.
Các bác quan tâm đọc lại Bài 1: Nên chỉ cho thuê để không lạc khỏi quỹ đạo an sinh?
Bài 2: Vì sao doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội?
Bài 3: Bài học phát triển NƠXH từ các quốc gia thành công, Việt Nam có thể học được gì?
trong seri Chuyện nhà ở xã hội.