"Nhà có cái tầng thượng ở tít trên cao nhưng sao người ta cũng hàn lồng sắt chắc chắn, thì khi có cháy chạy đi đâu được? Tôi không hiểu trộm nào mà bay được lên tầng sáu mà đột nhập vào? Chỉ cần khóa cái cửa bên trong là trộm cũng mệt rồi. Đằng này hàn thêm cái lồng sắt thì muốn cứu nạn cũng khó.
Theo tôi biết ở bên các nước châu Âu, người ta cấm xây nhà quá cao để dễ cho thang cứu hộ của cứu hỏa tiếp cận và cấm hàn cửa sổ bằng song sắt vì sẽ gây khó khăn lúc cứu hộ. Ngay cả cửa sổ người ta cũng làm cao trên tầm với của trẻ nhỏ, cửa kính bằng loại cường lực và có khóa, như vậy là đã đủ chống trộm rồi".
Đó là chia sẻ của độc giả CrazyHand sau vụ cháy nhà ở Định Công Hạ (Hà Nội), làm bốn người chết tối 16/6. Ngôi nhà bị cháy gắn biển cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, cao sáu tầng, một tum, diện tích mặt bằng khoảng 120 m2, có một thang bộ, một thang máy. Mặt tiền ngôi nhà giáp phố Định Công Hạ, chiều rộng thông thủy khoảng 6 m. Phía trên tầng thượng được hàn lồng sắt bịt kín để chống trộm.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thd chỉ ra điểm bất hợp lý trọng thiết kế xây dựng của nhiều nhà phố khi dùng "chuồng cọp" bịt kín tầng thượng: "Lại là kiểu nhà bít kín bằng lồng sắt. Khi lửa bùng lên, người dân và lực lượng cứu hỏa phải rất vất vả đập phá 'chuồng cọp'chống trộm kiểu này để mở lối thoát hiểm. Rồi cũng chẳng có dây an toàn để thòng người từ trên nóc nhà vì người già, trẻ em đâu như trai trẻ được?".
Xót xa trước thiết kế "chuồng cọp" khiến các nạn nhân xấu số không thể thoát khỏi đám cháy, độc giả Nguyễn Đăng Dương bình luận: "Đáng tiếc là nhiều nhà phố hiện nay lại lấy các thanh sắt, thép hàn kín ban công đằng trước và đằng sau nhà lại. Hiệu quả chống trộm chưa biết đến đâu nhưng việc này cũng đồng thời không cho người ở bên trong có cơ hội thoát ra ngoài khi có cháy".
Cho rằng chính quyền địa phương cần sớm có quy chuẩn thiết kế, loại bỏ chuồng cọp ở nhà dân, bạn đọc Chuongtours nhấn mạnh: "Sau bao nhiêu vụ cháy mà người ta vẫn không có biện pháp nào để tự cứu mình và người khác thoát thân cả. Tầng thượng được bao bọc kiên cố bằng khung thép, chắc cũng chẳng có thang dây thoát hiểm, vậy khác nào bít luôn đường sống. Chính quyền địa phương phải vận động người dân, thậm chí cưỡng chế tháo bỏ với những nhà có 'chuồng cọp' kiểu này".
"Quy định cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, kể cả chung cư ở Hà Nội cần phải được xem lại. Nhà ở bắt buộc phải có ban công thoát hiểm, phía sau nhà cũng phải có thông hành địa dịch, lối thoát hiểm, sân thượng không được hàn lồng sắt cố định, chiều cao nhà phải tỷ lệ thuận với lộ giới... Có như vậy mới không xảy ra những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người như thế này", độc giả Vanthoandoan kết lại.
Thành Lê tổng hợp trên VnExpress