Và đúng như truyền thống “trăm hoa đua nở, hoa nào nở trước thì… bán được”, các phân khúc của thị trường đã thể hiện những sắc thái rất riêng – kẻ rạng rỡ, người vẫn ngồi đếm lượt view.
Mở màn hoành tráng phải kể đến phân khúc căn hộ chung cư, vốn từ lâu đã là “người con cưng” của các đô thị lớn.
Trong khi nhiều phân khúc còn đang “ngủ đông”, căn hộ chung cư đã “thức dậy” với lượng giao dịch tăng mạnh. Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mở bán mới đạt gần 4.000 căn, tăng gần 70% so với quý I/2024 và là nguồn cung căn hộ quý I lớn nhất tại Thủ đô trong vòng 4 năm trở lại đây, kể từ năm 2022. Tổng số căn hộ chung cư bán được trong quý cũng đạt ở mức cao với gần 3.950 căn, tăng 72% theo năm.
Nếu thị trường bất động sản là một bộ phim, thì chung cư chính là diễn viên chính đang được “booking” liên tục. Dù giá vẫn còn chát và pháp lý đôi khi còn rối như nồi lẩu thập cẩm, nhưng với nhu cầu ở thật, tiện nghi, an toàn, đặc biệt là các dự án xanh, chuẩn quốc tế, thì chung cư vẫn là lựa chọn vàng trong thời điểm này.
Chuyển qua nhà riêng và đất nền, không khí cũng bắt đầu ấm dần lên như ly cà phê sáng sớm.
Những khu vực có hạ tầng phát triển, thông tin quy hoạch rõ ràng như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Đà Nẵng hay Thanh Hóa đang cho thấy sức hút trở lại.
Vốn là “món ăn khoái khẩu” của giới đầu tư, thì đất nền đang có dấu hiệu “hâm nóng” trở lại. Nhất là tại các khu vực có thông tin rõ ràng về quy hoạch, hạ tầng, hoặc… sáp nhập tỉnh. Ừ thì, nói đến đây, không thể không nhắc đến cú “twist” lớn của thị trường gần đây: kế hoạch sáp nhập một loạt tỉnh, thành trên cả nước.
Tâm lý “mua để dành” vẫn rất mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư giờ không còn FOMO như xưa, họ kiên nhẫn, thận trọng hơn, kiểu như đi chợ mà phải đi nhiều hàng, xem nhiều giá mới chịu mua.
Văn phòng và mặt bằng thương mại thì vẫn giữ phong độ ổn định, không nổi bật nhưng cũng không lép vế.
Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại lớn vẫn đạt trên 80% – tức là sau những lần “cáo bệnh” do dịch, ngành bán lẻ đã “lên đồ” và comeback ngoạn mục. Văn phòng cho thuê cũng dần tìm lại được ánh hào quang, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi doanh nghiệp đang tăng tốc mở rộng trở lại.
Ngược lại, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn… ngồi thiền. Dù có một vài khách sạn, resort được đưa vào vận hành nhưng giao dịch vẫn chưa khởi sắc. Khách hàng vẫn ngần ngại xuống tiền, và nhiều chủ đầu tư thì tạm thời “nằm im thở khẽ”, chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường và chính sách. Có thể nói, đây là phân khúc mang đậm chất “chờ thời” – rất đẹp, rất tiềm năng, nhưng chưa gặp đúng người, đúng lúc.
Cuối cùng, bất động sản công nghiệp tiếp tục là “con cưng của các nhà đầu tư ngoại”. Với dòng vốn FDI vẫn đổ mạnh vào sản xuất, nhiều khu công nghiệp được săn đón như idol K-pop. Giá thuê đất, nhà xưởng tăng nhẹ 2–3% so với cùng kỳ, chứng tỏ đây là phân khúc đang “làm ăn được”, ít ồn ào nhưng hiệu quả. Các địa phương có hạ tầng tốt, quỹ đất sạch, chính sách minh bạch vẫn là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp.
Tổng thể mà nói, bất động sản quý I/2025 như một bữa tiệc đầu năm – có món ngon, có món nguội, có món đang hâm lại.
Tin vui là: thị trường đã bắt đầu “nóng máy”. Tin chưa vui lắm: nhiều phân khúc vẫn cần thời gian để khởi động lại hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính sách, tín dụng đang dần mở van, tâm lý thị trường ổn định hơn, thì quý II được kỳ vọng sẽ là giai đoạn tăng tốc – hy vọng lần này không phải là “chạy nước rút… giữa chừng hụt hơi”.
Các chính sách vĩ mô như gói tín dụng nhà ở xã hội, giảm lãi suất, cộng với thông tin về sáp nhập địa phương đã tạo tâm lý tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư giờ không còn FOMO nữa, họ tỉnh táo hơn, hỏi nhiều hơn và chỉ “xuống tiền” khi thấy thật sự chắc cú. Thị trường quý II/2025 vì thế sẽ là phép thử xem liệu “thức dậy” có đủ để… “chạy maraton” hay không.