Một cái bẫy quen thuộc là những câu chữ mập mờ như "bên A thanh toán đợt tiếp theo khi hoàn tất hồ sơ pháp lý", nhưng không nói rõ "hồ sơ pháp lý" là gì. Người mua tưởng phải có giấy phép xây dựng, quy hoạch 1/500, đủ điều kiện bán… trong khi bên bán thì chỉ đưa ra cái sổ hồng chung hay bản vẽ tay phân lô. Không rõ ràng từ đầu, đến lúc tranh cãi thì bên nào cũng nghĩ mình đúng và người cầm cọc thường là người thắng.
Cũng không hiếm hợp đồng cho bên bán toàn quyền hủy nếu bên mua trễ thanh toán vài ngày, mà không cần báo trước. Còn bên mua nếu muốn rút lại thì phải báo trước cả tháng, chịu phạt 100% tiền cọc. Tất cả được nhét khéo léo ở cuối hợp đồng hoặc viết bằng ngôn ngữ vòng vo, đọc lướt là trượt.
Có những điều khoản nghe rất "có vẻ công bằng", như "hai bên cam kết không khiếu nại về sau", nhưng thực chất lại cắt luôn quyền khởi kiện nếu bên bán làm sai. Hay câu “hợp đồng có hiệu lực ngay khi ký, không cần công chứng”, tưởng là tiện, nhưng nếu giao dịch thuộc diện bắt buộc công chứng, thì hợp đồng đó… vô hiệu hoàn toàn. Mất tiền, mất thời gian, mất cả pháp lý.
Đáng sợ nhất là các phụ lục. Có hợp đồng ghi rõ rằng người mua đồng ý nhận nền đất “có thể thay đổi vị trí tương đương”, hay đồng ý thanh toán “mọi chi phí phát sinh khi sang tên” và tất cả nằm ở những dòng chữ nhỏ cuối trang, không ai thèm để ý. Nhưng khi có tranh chấp, chính những dòng chữ nhỏ ấy lại đủ sức làm bạn mất cả trăm triệu mà không đòi lại được.
Mất tiền cọc không phải vì bạn ngu, mà vì bạn chủ quan. Hợp đồng không tha cho sự cẩu thả. Ký là xác nhận dù bạn có hiểu hay không.
Vì vậy, nếu không có luật sư đi cùng, hãy làm ít nhất một việc: đọc kỹ. Đọc từng dòng, đọc chậm, đọc đến tận các phụ lục. Đừng ngại hỏi lại bên bán. Đừng ngại gạch bỏ điều khoản bất lợi. Và đừng bao giờ ký nếu còn lăn tăn. Trong bất động sản, không có “ký trước tính sau”. Một chữ ký sai là sai cả một thương vụ 🧨.