Là 1 người "tự giác" mua bảo hiểm cháy nổ này suốt hơn 11 năm nay, tôi cho rằng bảo hiểm cháy nổ không phải là chi phí, mà là một khoản đầu tư nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn: sự an tâm không bị "bỗng dưng mất trắng" tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
Từ năm 2014, tôi đã chủ động mua bảo hiểm cháy nổ cho các bất động sản của mình, dù căn nhà chỉ có 4 tầng với diện tích sàn 400 m². Ví dụ, căn nhà tại quận Tân Phú có giá trị xây dựng và tài sản bên trong khoảng 2,2 tỷ đồng, tôi chi 3,7 triệu đồng mỗi năm cho bảo hiểm, tương đương 0,17% giá trị tài sản. Tính ra con số này chỉ là 308.000 đồng/tháng, hay 10.000 đồng/ngày – bằng giá một ly cà phê.
Một trường hợp khác, từ năm 2017, tôi mua bảo hiểm cho một căn nhà ở Q9 và quyết định loại bỏ hạng mục bảo hiểm mất cắp. Sau khi công ty bảo hiểm đánh giá mức độ an toàn cháy nổ của căn nhà này ở mức cao, phí bảo hiểm chỉ còn 0,1% giá trị tài sản, giúp giảm đáng kể chi phí hàng năm. Phí bảo hiểm hàng năm chia ra chỉ 53.000 đồng/ngày, cũng chỉ bằng một tô phở.
Nhiều người từng cản tôi, cho rằng đây là “phí tiền”, nhưng tôi luôn quan niệm: phòng bệnh rẻ hơn chữa bệnh. Tôi xem 10.000 đồng hay 53.000 đồng mỗi ngày này không phải là tiền mất đi, mà là tiền đầu tư – đầu tư cho sự an toàn, đầu tư cho giấc ngủ ngon nhờ hạn chế rủi ro mất trắng tài sản.
Định lượng sát thực tế hơn, căn nhà có 15 phòng cho thuê, phí bảo hiểm chỉ tương đương mỗi phòng bớt đi lợi nhuận 20.000đồng/tháng. Tòa nhà có 64 phòng cho thuê, phí bảo hiểm tương ứng mỗi phòng “bị hụt” 25.000 đồng/tháng – một con số quá nhỏ so với giá trị tài sản được bảo vệ.
Trước khi “kiếm thêm tiền” nên tránh “bị mất tiền”
Trong hơn 15 năm làm nghề cho thuê bất động sản, tôi nhận thấy hầu hết các nhà đầu tư không biết đến hoặc không quan tâm đến bảo hiểm cháy nổ. Họ vẫn phó mặc rủi ro với tâm lý “nhà tôi có bao giờ cháy đâu”. Đây là một suy nghĩ phổ biến nhưng đầy rủi ro, bởi cháy nổ là điều không ai mong muốn, nhưng nếu xảy ra, hậu quả có thể khiến bạn mất sạch tài sản.
Đặc biệt, với các chủ nhà cho thuê nhà cho các đơn vị kinh doanh cho thuê lại, tôi luôn khuyên: nếu bên thuê nhà không mua bảo hiểm, thì chủ nhà hãy tự chủ động mua bảo hiểm, đừng tranh cãi đúng sai “ai bỏ tiền mua?”. Vì số tiền cọc vài tháng tiền thuê không thể bù đắp thiệt hại nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Và dù có ràng buộc hợp đồng thuê thế nào, gần như các đơn vị thuê lại nhà kinh doanh không có đủ năng lực tài chính để đền bù toàn bộ giá trị ngôi nhà cho các anh chị.
Lo ngại “bị từ chối bồi thường” - Lý do chính khiến nhiều người e ngại bảo hiểm nói chung
Ngoài việc tiết kiệm chi phí và tâm lý chủ quan “nhà tôi có bao giờ cháy đâu”, một nguyên nhân khác khiến các chủ nhà không muốn mua bảo hiểm là việc “lo ngại bị từ chối bồi thường” khi xảy ra sự cố. Điều này xuất phát từ hai phía: (1) Chủ nhà không hiểu rõ hợp đồng (mà thực ra nó cũng dài quá, câu chữ lắt léo quá đọc không nổi), dẫn đến vi phạm một số điều khoản; (2) Các công ty bảo hiểm, vì lợi nhuận kinh doanh, chủ động "lạng lách" để “bò né” bồi thường.
Vì vậy, khi mua bảo hiểm, điều quan trọng là phải đọc kỹ hợp đồng, nắm rõ các điều khoản để tránh vi phạm, đừng quá ham phí bảo hiểm rẻ, mà nên chọn đơn vị uy tín, ít điều tiếng trong việc từ chối bồi thường. Hợp đồng đọc tới đâu không hiểu ghi chú lại, yêu cầu họ giải thích hiểu bằng hết mới thôi, đặc biệt hãy tập trung chú ý “các điều khoản loại trừ bồi thường”.
Quy định mới này về lâu dài an toàn cho nhà đầu tư, người sở hữu nhà để kinh doanh, nhưng cần có sự quản lý chặt hơn để các công ty bảo hiểm bớt chiêu trò, tránh né trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố.
Chúng ta không mua bảo hiểm để hy vọng được bồi thường, để "được lời" trên tiền đã mua bảo hiểm, mà để đảm bảo rằng, nếu một ngày ngủ dậy mở mắt ra, rủi ro xảy ra và chúng ta không bị mất trắng tài sản, phải bắt đầu lại từ con số 0.
Chỉ cần mỗi ngày nhịn ly cafe 10.000 đồng hay tiết kiệm 53.000 đồng “ngồi nhìn người ta ăn phở” là làm được việc đó.
-----
Lê Quốc Kiên