Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Trong báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung giá trần với nhà xã hội để bán và cho thuê nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở của người dân, lao động thu nhập thấp... Bộ này cũng cho rằng cần có quy định về "hậu kiểm" để tránh lạm dụng chính sách về nhà xã hội.
Theo quy định hiện hành, giá bán nhà xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức (không quá 10%). Giá này do UBND tỉnh thẩm duyệt, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.
Đề nghị của Bộ Tư pháp được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp dự án nhà xã hội mới ra mắt thời gian qua với giá bán tăng cao. Tại Hà Nội, mức cao nhất hiện thuộc về dự án tại Khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) với giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng một m2, tương đương 1,75 tỷ đồng cho căn diện tích lớn nhất. Tương tự, tại huyện Mê Linh, hơn 700 căn nhà xã hội thuộc xã Kim Hoa có mức dự kiến 21,2 triệu đồng một m2. Trong khi đó, giá dự kiến dự án tại ô đất CT3, Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh là 18,4 triệu đồng mỗi m2.
Giai đoạn trước 2023, giá bán nhà ở xã hội tại Thủ đô được duyệt thường dao động 13-17 triệu đồng một m2. Từ đó đến nay, giá căn hộ đã tăng phi mã, dù suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố với loại nhà ở này dưới 20 tầng chỉ khoảng 5,6-8,8 triệu đồng một m2.
Giá bán nhà ở xã hội tại nhiều địa phương cũng có xu hướng tăng mạnh. Chẳng hạn, tại Thanh Hóa, dự án tại lô đất NOXH-02 thuộc khu đô thị trung tâm TP Thanh Hóa (tên thương mại Vinhomes Star City) có giá 20,65 triệu đồng một m2.
Cre: VNE