Xu hướng dịch chuyển nơi ở sang các vùng ven phụ cận của các đô thị ngày càng được nhiều người lựa chọn, lý do phổ biến nhất tới từ việc giá nhà ngày càng tăng phi mã, quỹ đất trung tâm thành phố trở nên khan hiếm, nhiều người, trong đó có thế hệ trẻ lo lắng làm cả đời mà vẫn không đủ tiền mua nhà.
Tại hai thị trường lớn là thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh và thị trường bất động sản Hà Nội đang chứng kiến một cuộc chạy đua giá nhà “kỷ lục” trong lịch sử, liên tục thiết lập những bảng giá mới tiền tỷ. Song song với đó, nhiều người tại thành phố cũng liên tục “chạy ăn từng bữa”, và giấc mơ có căn nhà an cư vẫn là nỗi đau đáu cho nhiều thế hệ vì giá nhà tăng nhưng đồng lương hết sức bèo bọt.
Điểm khác biệt của hai thị trường trên, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam là ở thị trường Hà Nội, ngoài nhu cầu nhà ở thì nhu cầu về đầu tư cũng rất lớn, tính đầu tư của thị trường Hà Nội khá mạnh. Còn tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, nhu cầu ở đang chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên thì hai thị trường này gần như không có nhiều sự khác biệt nhìn trên hoạt động mua bán giao dịch, thể chế, quy hoạch, nhu cầu.
Báo cáo của VARS 9 tháng đầu năm cho biết đã có vài chục nghìn căn hộ mới đưa ra thị trường, nhưng đây là con số rất bé, chỉ bằng 10% so với thời kỳ phát triển trong giai đoạn 2018 – 2019. Dựa trên số liệu ấy, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng phải “ngậm ngùi” khẳng định rằng: “Sản phẩm đã hoàn thiện trên thị trường hiện nay là thuộc dạng hàng hiếm, rất khó tìm”.
Vì vậy mà những sản phẩm đã hoàn thiện đang được tung vào thị trường, nhất là vùng Hà Nội hay vùng TP. Hồ Chí Minh là rất hiếm và chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của lượng lớn nhà đầu tư. Tuy nhiên việc mua được những “chốn an cư” tại đây lại vô cùng khó khăn đối với người thu nhập thấp.
Bởi vậy, nhiều người lựa chọn dịch chuyển về các vùng ven phụ cận để tìm kiếm những nơi ở phù hợp hơn, tuy nhiên, lựa chọn này cũng đem lại nhiều vấn đề “dở khóc dở cười” những khổ chủ.
Anh Văn Thịnh, 43 tuổi, hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về những bất tiện khi mua nhà ở quá xa trung tâm, khi mới chuyển đến, hàng xóm liền kề chưa được 10 hộ. Dần dần, người dân bắt đầu dọn về đây. Thế nhưng, để đi vào xóm, đến bây giờ vẫn có những đoạn đường phải đi qua bãi cỏ hoang hay những bụi cây rậm. Dù được sở hữu nhà riêng nhưng cuộc sống của họ cũng không khấm khá hơn là mấy. Do đường xá quá xa xôi nên chúng tôi gặp nhiều bất tiện về cả công việc.
Con gái đầu lòng của họ cũng chịu thiệt rất nhiều do việc mua nhà xa của bố mẹ khi khó khăn tìm trường tiểu học gần cho con, để đi học trường tốt cũng cách nhà khoảng 15km. Để kịp giờ học, cháu phải dậy từ 5h30 sáng, nhiều hôm phải ăn sáng ngay trên xe. Do điều kiện không thuận lợi nên kinh tế của vợ chồng họ cũng không phát triển được mấy.