Gia đình chị Giao sống tại một căn hộ tái định cư cũ, diện tích 70m2, mua vào tháng 10/2022, giá 2 tỷ đồng, tức khoảng 28 triệu đồng/m2.
Suốt 1 năm qua, cùng với “cơn sốt” chung của thị trường chung cư, căn hộ của gia đình cũng liên tục tăng giá. Chị và nhiều hàng xóm thường nhận được những cuộc điện thoại hỏi bán nhà của môi giới. Mức giá môi giới đưa ra không ít lần khiến chị “sửng sốt” và giá luôn tăng dần theo từng tháng, thậm chí từng tuần.
Trên group cư dân, các hội nhóm, website mua bán bất động sản, chị thấy nhiều căn trong tòa nhà được rao bán giá 57-60 triệu đồng/m2. Thậm chí có những căn môi giới đăng chênh mấy trăm triệu so với giá chủ nhà rao trong nhóm cư dân. Chỉ chưa đầy 2 năm, giá đã tăng gấp đôi nên vợ chồng chị muốn bán nhà để mua căn hộ khác mới hơn.
“Tôi đăng bán từ tháng 7. Có rất nhiều môi giới gọi điện hỏi và người mua đến xem trực tiếp. Thế nhưng 3 tháng rồi mà vẫn chưa bán được”, chị kể.
Theo lời chị Giao, tòa chung cư này nằm ở vị trí đẹp, nhưng do đã xây dựng nhiều năm nên cũ kĩ, một số hạng mục bị xuống cấp. “Có khách xem xong thì một đi không trở lại, khách thì chê cũ, khách thì chê đắt trong khi tôi cũng chỉ đăng theo giá các căn khác rao trên mạng”, chị Giao nói.
Chị Nguyễn Hằng, cư dân một chung cư tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, thời gian qua đi đâu chị cũng nghe nói về chuyện “sốt” chung cư. Nhưng theo quan sát của chị thì bán được nhà không phải chuyện dễ.
“Giờ cư dân còn đồn nhau giá chung cư này lên 80-100 triệu/m2. Môi giới ngồi sẵn dưới sảnh toà nhà luôn. Tôi thấy khách xem nhà thì có nhưng không thấy có cư dân mới chuyển tới, vẫn chủ yếu là người ở thuê”, chị Hằng chia sẻ.
Giá chung cư liên tục tăng cao, gấp đôi, gấp ba khiến nhiều chủ nhà quyết định bán căn hộ. Nhưng dù đăng bán ròng rã nhiều tháng, các căn hộ vẫn trong tình trạng “ế” khách.
Nguồn: Vietnamnet