Ngoài tiền hàng, tôi đau đáu tiền thuê mặt bằng, ký ba năm, trả theo quý. Chuyện vay mượn tiền người thân như cơm bữa. Tôi ý thức được mình đang "cày" để trả tiền thuê mặt bằng, còn lợi nhuận thì chẳng được là bao, đúng kiểu làm bao nhiêu chỉ để nuôi chủ nhà.
Khi thương mại điện tử bùng nổ, mọi chuyện thay đổi chóng mặt. Tôi quyết định bỏ mặt bằng đắt đỏ ấy, chuyển vào một căn nhà trong hẻm, giá thuê chỉ 15 triệu đồng. Kinh doanh online, hàng vẫn chạy đều.
Đó là một bước đi mạo hiểm, nhưng hóa ra lại là quyết định đúng đắn mà tôi từng đưa ra.
Còn ông chú chủ nhà mặt tiền ấy, nghe tôi trả mặt bằng, thì thắc mắc: "Chỗ này khách nườm nượp, sao lại trả?
Lúc đó, tôi nghĩ lại ở mặt tiền, chỉ cần trưng bảng hiệu, mỗi ngày cũng tiếp cận được hàng nghìn người qua lại. Thế nên tôi ngỏ ý đàm phán giảm giá thuê, ông cương quyết không chịu.
Thế rồi, cả năm trời, ngôi nhà ấy cứ nằm trống. Một hai tháng đầu, ông còn tự tin "khách thuê mới sẽ đến sớm thôi". Những người thuê kế bên cũng lần lượt trả mặt bằng, bỏ phố ra hẻm hoặc lên mạng kinh doanh.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông đành phải bỏ tầng trệt thành chỗ để xe máy còn tầng một ngăn ra thành các phòng nhỏ cho thuê trọ để gỡ gạc.
Một số người quen của tôi nói đi thuê trọ, họ thích ở hẻm ôtô hơn vì yên tĩnh, thoáng. Ở trọ mà mặt tiền, cả ngày nghe tiếng xe ồn ào, bụi bặm còn stress hơn. Không rõ, bây giờ có còn ai thuê trọ nữa không.
Thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách người ta mua sắm, mà còn tái cấu trúc cách người ta kinh doanh. Những căn nhà mặt tiền, giờ đây không còn giữ được vị thế độc tôn.
Ngày nay, chỉ những người thật sự cần hiện diện vật lý hoặc muốn tạo dựng thương hiệu mới sẵn sàng chi trả cho việc thuê mặt bằng mặt tiền. Còn lại, người kinh doanh lâu năm, sẵn mối mang đã chuyển vào hẻm để bớt chi phí.
Còn tương lai của hình thức kinh doanh nhà mặt tiền? Có lẽ phải chờ đợi những thay đổi tiếp theo của thị trường.
Theo Thanh Hiệp - VNE